Thursday, May 18, 2017

Phó thủ tướng: Số bằng sáng chế được cấp của Việt Nam chỉ bằng 1/3 Thái Lan

Ngày 18/5, tại lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu, Việt Nam đã có những bước đổi mới đáng mừng về khoa học và công nghệ những năm qua.

"Một trong những điều đó là sự hiện diện đông hơn những gương mặt trẻ, giới khoa học không chuyên, cộng đồng startup và đặc biệt là các doanh nghiệp trong lễ trao giải hôm nay", ông Đam nói và nhận định việc từng bước đưa cộng đồng doanh nghiệp trở thành trung tâm của nghiên cứu khoa học có ý nghĩa hết sức quan trọng.

pho-thu-tuong-so-bang-sang-che-duoc-cap-cua-viet-nam-chi-bang-1-3-thai-lan

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017. Ảnh: Thanh Tâm

Phó thủ tướng nhận định, những cố gắng trong điều kiện còn nhiều khó khăn về cơ chế chính sách và quan niệm xã hội là đáng phấn khởi. Tuy nhiên, nếu so với mặt bằng chung của thế giới thì Việt Nam vẫn chỉ ở mức trung bình thấp.

Theo ông, số công trình được công bố trên tạp chí khoa học được công nhận bởi Viện ISI của Việt Nam trong 5-6 năm qua tăng hơn 20%, nhưng mới chỉ bằng 1/3 Thái Lan, 1/4 Malaysia, 1/5 Singapore. Bằng sáng chế được cấp của Việt Nam tăng 60% mỗi năm, tuy nhiên chỉ bằng 1/3 của Thái Lan, 1/11 Malaysia, 1/30 Singapore, 1/1240 của Hàn Quốc và 1/3170 của Trung Quốc. "Chúng ta có trăn trở, day dứt không?", ông đặt câu hỏi.

Phó thủ tướng không phủ nhận nguồn đầu tư cho khoa học và công nghệ hàng năm của Việt Nam còn hạn chế, chỉ trên 15-16 nghìn tỷ đồng (2% tổng chi ngân sách), nhưng "nếu sử dụng tốt sẽ hiệu quả hơn hiện tại".

pho-thu-tuong-so-bang-sang-che-duoc-cap-cua-viet-nam-chi-bang-1-3-thai-lan-1

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trao giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017 cho hai nhà khoa học Nguyễn Sum và Phan Thanh Sơn Nam. Ảnh: Thanh Tâm

Nhắc lại kiến nghị của hai nhà khoa học đạt giải năm nay, ông Đam cho rằng một trong những giải pháp để thúc đẩy khoa học là công khai tất cả các khâu trong việc tổ chức thực hiện đề tài, nhiệm vụ khoa học. Minh bạch từ thời điểm đặt vấn đề đến quá trình làm và kết quả để những đề tài tốt được chia sẻ, ứng dụng trong xã hội.

"Chúng ta phải đảm bảo môi trường, hỗ trợ những điều kiện cần thiết, truyền cảm hứng cho sinh viên các trường đại học để họ sẵn sàng cống hiến cho khoa học và khởi nghiệp sáng tạo", ông Đam nói.

Lấy ví dụ về việc những người trẻ sáng chế ra ứng dụng giúp người dân có thể hỏi đường, hỏi chỗ ăn uống bằng giọng nói trên điện thoại thông minh, ông Đam đề nghị cộng đồng khoa học và công nghệ có những hành động cụ thể để nhận thức chung của toàn xã hội được nâng lên.

"Bằng các công cụ khoa học mà đặc biệt là công nghệ thông tin, chúng ta phải giúp toàn dân được trang bị, phổ biến kiến thức cần thiết để cuộc sống của họ khỏe mạnh, an toàn hơn và công việc hàng ngày của họ hiệu quả hơn", ông Đam nhấn mạnh.

Năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu cho PGS.TS Nguyễn Sum (Đại học Quy Nhơn) và GS.TS Phan Thanh Sơn Nam (Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM). Hai tiến sĩ có công trình được Hội đồng Khoa học chuyên ngành của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia cùng Hội đồng giải thưởng Tạ Quang Bửu đánh giá cao.

PGS.TS Nguyễn Sum đem đến giải thưởng công trình thuộc lĩnh vực Toán học "Về bài toán hit của Peterson".

GS.TS Phan Thanh Sơn Nam là tác giả chính của công trình khoa học "Tổng hợp propargylamine từ N-methylaniline và alkyne đầu mạch thông qua con đường methyl hóa và hoạt hóa trực tiếp liên kết C-H sử dụng vật liệu Cu2(BDC)2(DABCO) làm xúc tác”. Cả hai công trình đều được nghiên cứu hoàn toàn trong nước.

Thanh Tâm


0 comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.