Thursday, May 18, 2017

Phó thủ tướng: Khoa học không phát triển, Việt Nam sẽ tụt hậu

Ngày 18/5, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017 cho PGS. TS Nguyễn Sum - Đại học Quy Nhơn, Bình Định, trong lĩnh vực toán học và GS. TS Phan Thanh Sơn Nam - Đại học Quốc gia TPHCM trong lĩnh vực hóa học.

Theo Bộ trưởng KHCN Chu Ngọc Anh, Giải thưởng Tạ Quang Bửu được tổ chức hằng năm nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà nghiên cứu có thành tựu nổi bật, góp phần thúc đẩy khoa học công nghệ Việt Nam hội nhập và phát triển.

pho-thu-tuong-khoa-hoc-khong-phat-trien-viet-nam-se-tut-hau

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trao giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017 cho hai nhà khoa học Nguyễn Sum và Phan Thanh Sơn Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Việt Nam đã có những bước đổi mới đáng mừng về khoa học và công nghệ những năm qua.

"Một trong những điều đó là sự hiện diện đông hơn những gương mặt trẻ, giới khoa học không chuyên, cộng đồng startup và đặc biệt là các doanh nghiệp trong lễ trao giải hôm nay", ông Đam nói và nhận định việc từng bước đưa cộng đồng doanh nghiệp trở thành trung tâm của nghiên cứu khoa học có ý nghĩa hết sức quan trọng.

“Nếu khoa học không phát triển, đất nước Việt Nam sẽ tụt hậu”, ông nhấn mạnh.

Phó thủ tướng cho hay, số công trình được công bố trên tạp chí khoa học được công nhận bởi Viện ISI của Việt Nam trong 5-6 năm qua tăng hơn 20%, nhưng mới chỉ bằng 1/3 Thái Lan, 1/4 Malaysia, 1/5 Singapore. Bằng sáng chế được cấp của Việt Nam tăng 60% mỗi năm, tuy nhiên chỉ bằng 1/3 của Thái Lan, 1/11 Malaysia, 1/30 Singapore, 1/1240 của Hàn Quốc và 1/3170 của Trung Quốc. 

pho-thu-tuong-khoa-hoc-khong-phat-trien-viet-nam-se-tut-hau-1

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017. Ảnh: Thanh Tâm

Đặt câu hỏi cho các đại biểu tại buổi lễ có “trăn trở và day dứt không”, Phó thủ tướng đề nghị, bên cạnh những giải pháp đồng bộ từ thể chế kinh tế, chính sách thuế, tài chính, đầu tư, phải làm mạnh mẽ hơn 3 việc.

Đầu tiên, Phó thủ tướng không phủ nhận nguồn đầu tư cho khoa học và công nghệ hàng năm của Việt Nam còn hạn chế, chỉ trên 15-16 nghìn tỷ đồng (2% tổng chi ngân sách), nhưng "nếu sử dụng tốt sẽ hiệu quả hơn hiện tại". Muốn làm được điều đó, cần công khai minh bạch tất cả các khâu từ lúc đặt ra đề tài, cho đến quá trình làm, lấy ý kiến phản biện và kết quả.

Theo Phó thủ tướng, việc công khai có ý nghĩa rất quan trọng, nếu đề tài tốt sẽ được chia sẻ trong xã hội, trong doanh nghiệp để ứng dụng và không phải nghiên cứu lại. Trong khi đó, những đề tài không thiết thực, không chất lượng thì cộng đồng sẽ nhìn nhận, đánh giá.

Cùng với đó, Phó thủ tướng cho rằng cần tạo môi trường và những hỗ trợ cần thiết để các sinh viên trẻ sẵn sàng cống hiến cho khoa học, khởi nghiệp sáng tạo. Bộ KH&CN cần đặc biệt chú trọng tới việc phát triển cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, start-up theo đúng quan niệm quốc tế.

Ngoài ra, theo Phó thủ tướng, cần làm cho sự hiểu biết, kiến thức của toàn xã hội về khoa học được nâng lên. 

Phó thủ tướng lấy ví dụ về khái niệm trí thông minh nhân tạo, thoạt nghe rất cao siêu, trong đó có xử lý giọng nói, nhưng hiện cộng đồng khoa học trẻ đã tạo ra nhiều ứng dụng để bất cứ người dân nào với chiếc điện thoại cũng có thể sử dụng để hỏi đường, hỏi các thông tin cần thiết… Ông cho rằng nếu có thể làm được các ứng dụng để hỏi kiến thức về giữ gìn sức khỏe, luật pháp, canh tác… “thì tốt biết bao nhiêu”.

Từ năm 2014-2016, Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã được trao tặng cho 7 nhà khoa học là tác giả của công trình khoa học xuất sắc trong các lĩnh vực toán học, vật lý, khoa học thông tin và máy tính, khoa học trái đất và môi trường và 2 nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực toán học và vật lý.

Năm 2017, Bộ KH&CN trao giải thưởng Tạ Quang Bửu cho PGS.TS Nguyễn Sum (Đại học Quy Nhơn) và GS.TS Phan Thanh Sơn Nam (Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM). 

PGS.TS Nguyễn Sum đem đến giải thưởng công trình thuộc lĩnh vực Toán học "Về bài toán hit của Peterson".

GS.TS Phan Thanh Sơn Nam là tác giả chính của công trình khoa học "Tổng hợp propargylamine từ N-methylaniline và alkyne đầu mạch thông qua con đường methyl hóa và hoạt hóa trực tiếp liên kết C-H sử dụng vật liệu Cu2(BDC)2(DABCO) làm xúc tác”.

Cả hai công trình đều được nghiên cứu trong nước.

Thanh Tâm


0 comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.