Tuesday, February 28, 2017

Bộ Giao thông phản hồi việc 'rút ngắn thời gian thu phí hàng loạt dự án BOT'

Ngày 28/2, Bộ Giao thông có thông cáo báo chí về thời gian thu phí rút ngắn đối với các dự án đầu tư theo hình thức BOT.

Theo đó, phản hồi thông tin về việc sau khi Kiểm toán Nhà nước vào cuộc thì hàng loạt dự án BOT đã phải giảm 5-7 năm thu phí, Bộ Giao thông đưa ra một số nguyên nhân như: Tiến độ dự án được rút ngắn nên giảm bù giá vật liệu và giảm lãi vay trong thời gian xây dựng; chỉ số giá xây dựng và lãi suất vốn vay trong giai đoạn 2012-2015 đều giảm so với giai đoạn 2009-2011 nên không sử dụng đến dự phòng trượt giá theo quy định.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai dự án, Bộ Giao thông đã rà soát và thấy rằng các quy hoạch đô thị được địa phương phê duyệt có quy mô lớn hơn nhu cầu thực tế nên đã điều chỉnh thu hẹp quy mô mặt cắt ngang các đoạn qua đô thị, dẫn đến giảm chi phí đầu tư.

bo-giao-thong-phan-hoi-viec-rut-ngan-thoi-gian-thu-phi-hang-loat-du-an-bot

Nhiều dự án BOT được kiểm toán đã phải giảm 5-7 năm thu phí, tổng cộng các dự án giảm tới gần 100 năm thu phí. 

Theo Bộ Giao thông, tất cả các hợp đồng BOT đều quy định thời gian thu phí ban đầu chỉ là dự kiến và thời gian thu phí chính thức phải được xác định lại theo giá trị quyết toán công trình phù hợp với các kết luận thanh tra, kiểm toán. Đồng thời, việc thu phí thường xuyên được cập nhật khi có biến động về lãi suất, lưu lượng xe so với dự kiến ban đầu. Như vậy, thời gian thu phí không ảnh hưởng đến mức phí người dân phải trả mà phụ thuộc vào giá trị quyết toán và lưu lượng xe.

Bộ Giao thông cũng cho biết, một số dự án chưa được Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, song Bộ đã đàm phán ký hợp đồng điều chỉnh rút ngắn thời gian thu phí như: Dự án quốc lộ 10 đoạn La Uyên - Tân Đệ được điều chỉnh rút ngắn thời gian thu phí tạm tính ban đầu 21 năm 3 tháng xuống còn 10 năm 3 tháng; dự án cầu Rạch Miễu, quốc lộ 60, tỉnh Bến Tre được điều chỉnh rút ngắn thời gian thu phí tạm tính ban đầu 22 năm 10 tháng xuống còn 13 năm 5 tháng…

bo-giao-thong-phan-hoi-viec-rut-ngan-thoi-gian-thu-phi-hang-loat-du-an-bot-1

Tổng cục đường bộ từng phát hiện chênh lệch thu phí ở dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang.

Trước đó ngày 21/2, Kiểm toán Nhà nước cho biết nhiều dự án trong số 27 dự án được kiểm toán phải giảm 5-7 năm thu phí. Tổng cộng các dự án giảm tới gần 100 năm thu phí.

Về mức phí, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ hiện nay ngoài các dự án đường cao tốc thu phí theo số km đi trên dự án, các dự án còn lại mức thu phí theo quy định tại thông tư 159 của Bộ Tài chính. Do đó, mỗi xe qua trạm thu phí không kể chiều dài đường đi được bao nhiêu đều bị thu phí như nhau. Điều này sẽ rất khó khăn cho người dân và doanh nghiệp tại địa phương vì chỉ đi quãng đường rất ngắn nhưng vẫn bị trả phí cao.

Ngoài ra, mặc dù Bộ Tài chính hướng dẫn là trạm thu phí phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án do cơ quan có thẩm quyền quyết định, khoảng cách giữa các trạm đảm bảo tối thiểu 70 km, nhưng thực tế không đáp ứng được như vậy. Không ít trạm thu phí cho dự án này nhưng lại đặt trên tuyến đường khác và không gắn với dự án đó dẫn đến tình trạng người dân không đi trên đường được đầu tư bằng hợp đồng BOT nhưng vẫn phải đóng phí. Kiểm toán nhà nước cho rằng cần phải xem lại hướng dẫn nói trên để tránh gây bức xúc dư luận.

Cả nước hiện có 86 trạm thu phí BOT do các doanh nghiệp đầu tư, được Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính cho phép thu phí. Năm 2016, Thủ tướng đã yêu cầu giảm từ 10 đến 15% mức phí ở 45 trạm thu nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Bộ Giao thông đã làm việc với các nhà đầu tư để thương thảo việc giảm giá phí qua các trạm BOT.

Đoàn Loan

>


0 comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.