Tuesday, May 16, 2017

Thầy giáo U60 truyền lửa cho thiếu nhi bằng những bài múa dẻo

Thầy Mai Xuân Mùi (59 tuổi), Phó giám đốc Nhà thiếu nhi Đà Nẵng, là nhân vật chính trong video "Đàn gà con" đang được hàng nghìn người chia sẻ trên mạng xã hội. Nhiều người bày tỏ thán phục khi thầy giáo lớn tuổi nhưng múa rất dẻo.

Thấy Mùi cười tươi cho biết video được quay từ 2 năm trước, khi thầy dạy cho lớp tổng phụ trách đội Cao đẳng Sư phạm Huế. "Thầy bất ngờ không biết ai quay video đó. Chắc các em quay lại để về nhìn cho dễ học theo", thầy giải thích.

Nét mặt rạng rỡ khi xem lại điệu múa do mình biên đạo, thầy Mùi tâm sự dạy múa là truyền lửa bằng sự nhiệt tình và trách nhiệm. Khi dạy, thầy luôn yêu cầu người học phải hồn nhiên, cười nói để những điệu múa mềm mại, uyển chuyển.

thay-giao-u60-mua-deo

Thầy Mùi không giấu được niềm vui khi xem lại điệu múa mình thực hiện cùng các bạn sinh viên. Ảnh: Nguyễn Đông.

Quê gốc Đức Thọ (Hà Tĩnh), sinh ra ở Huế, thầy Mùi gắn mình với sự nghiệp biên đạo múa ở Đà Nẵng. Có khiếu văn nghệ nên thầy thường xông xáo trong mọi hoạt động đoàn. Theo học trường Sư phạm Thanh Khê, nhờ năng khiếu hát, múa, thầy được giữ lại trường giảng dạy.

Ham học hỏi, hễ ở đâu có lớp dạy múa là thầy Mùi đăng ký học. Năm 1990, thầy về công tác tại Tỉnh Đoàn Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Bảy năm sau, khi chia tách tỉnh, thầy về công tác tại Nhà thiếu nhi Đà Nẵng, giữ chức Phó giám đốc. Thời gian này, thầy tranh thủ lấy bằng đại học chuyên ngành biên đạo múa của Đại học Văn hóa Hà Nội (mở lớp đào tạo tại Đà Nẵng).

Sẵn đam mê, thầy Mùi ngày đêm sáng tác những bài múa tập thể cho thiếu nhi. Đến nay, thầy là tác giả của gần 100 bài múa cho thiếu nhi và mục tiêu là "mỗi năm phải sáng tác ít nhất một điệu múa tập thể, theo từng chủ đề riêng". Thầy cũng chuyên viết kịch bản để sân khấu hóa những ngày kỷ niệm của đoàn, đội.

Nhưng để có được những điệu múa hay không hề dễ. Sáng tác điệu múa về người H'mông, thầy lặn lội đường xa, hay mò tìm trên mạng để quan sát từng động tác vung tay, vung khăn. Hay điệu múa ở vùng Tây Bắc, thầy phải nhờ người bản địa bày vẽ. Khi về nhà, thầy mở nhạc của dân tộc hay vùng đất đó, rồi sáng tác điệu múa theo.

Thầy giáo Mùi múa bài "Đàn gà con".

Cảm hứng sáng tác của thầy Mùi chính là những lúc được nhìn thấy thiếu nhi vui chơi. "Sáng tác phải đam mê, nhưng khi đã thích rồi thì mình hồn nhiên, vô tư", thầy chia sẻ. Mỗi khi nhún nhảy cùng những em nhỏ, thầy thấy mình khỏe ra, vui hơn, dù phải vận động nhiều và cơ thể không còn nhẹ nhàng như trước.

Công việc ở Nhà thiếu nhi bận rộn, nhưng mỗi dịp cuối tuần, thầy Mùi lại tranh thủ đi dạy, tập huấn cho đoàn, đội của thành phố Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Nhiều tổng phụ trách đội gặp khó trong công việc, chỉ cần gọi điện thoại là thầy Mùi lại tận dụng giờ nghỉ xuống cơ sở chỉ dạy nhiệt tình.

Không chỉ hướng dẫn về kỹ năng, nội dung, phương pháp để tổ chức hoạt động, thầy Mùi còn có cả kho ý tưởng và luôn đổi mới, linh hoạt theo chương trình, chủ đề của từng năm học. Đó cũng là lý do không chỉ những người làm công tác đội mà đa số thế hệ học sinh ở Đà Nẵng đều biết đến thầy.

Thầy Mùi trăn trở, hiện nay thiếu nhi thích rèn luyện kỹ năng sống. Do đó nếu Bộ Giáo dục đưa kỹ năng sống vào chương trình học thì các em sẽ tự tin hơn trong cuộc sống, nhất là trẻ em ở những vùng quê vốn hay rụt rè. "Đà Nẵng đang đầu tư hoạt động cộng đồng, vui chơi, dân vũ và từ đó thiếu nhi năng động hơn", thầy nói.

thay-giao-u60-mua-deo-1

Thầy Mùi trăn trở về chương trình học hiện nay còn ít các tiết học về kỹ năng sống. Ảnh: Nguyễn Đông.

Cô giáo Phạm Thị Thùy Loan, Phó hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Huệ, người được bày dạy nhiều điệu múa, kỹ năng hoạt động đoàn, cho biết thầy Mùi đã truyền chữ "tâm" cho nhiều thế hệ cán bộ đội. Nhiều thế hệ tổng phụ trách đội, cán bộ đội của Đà Nẵng luôn coi thầy Mùi là người cha, người anh cả và là tấm gương sáng về tình yêu thương đối với thiếu nhi, lòng nhiệt huyết với công tác đội và phong trào thiếu nhi.

"Tổng phụ trách đội là nghề vất vả, nhiều thiệt thòi. Tôi đến với nghề tổng phụ trách đội bằng tình yêu với đội nhưng để gắn bó và trở thành một tổng phụ trách đội giỏi, góp phần tích cực, hiệu quả vào công tác đội và phong trào thiếu nhi là vì đã gặp được thầy. Thầy đã truyền cho tôi kiến thức, nhiệt huyết và tình yêu con trẻ để tôi trở thành một cô giáo tốt", cô Thùy Loan bộc bạch.

Chỉ còn 2 năm nữa là nghỉ hưu, thầy Mùi cho biết sẽ tập trung vào việc sáng tác điệu múa, biên kịch. Nhưng quan trọng hơn là tìm và đào tạo bằng được người thay thế mình có niềm đam mê để giữ lửa cho phòng trào đoàn, đội ở địa phương.

Nguyễn Đông


0 comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.