Thursday, March 16, 2017

TP HCM lo ngại nhiệt điện 5 tỷ USD ở Long An gây ô nhiễm

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến tỉnh Long An, TP HCM và các bộ ngành liên quan về địa điểm xây dựng Trung tâm điện lực Long An. Hai vị trí có thể đặt nhà máy là xã Long Hựu Đông (huyện Cần Đước) và xã Phước Vĩnh Đông (huyện Cần Giuộc).

Theo UBND tỉnh Long An, xã Phước Vĩnh Đông (huyện Cần Giuộc) là địa điểm tốt nhất để xây nhiệt điện, vì phù hợp với quy hoạch của tỉnh. Bộ Giao thông vận tải ủng hộ, cho đây là vị trí duy nhất đủ điều kiện tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 tấn. Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) cũng thống nhất đề nghị này.

tp-hcm-lo-ngai-nhiet-dien-5-ty-usd-o-long-an-gay-o-nhiem

Hai vị trí được đơn vị tư vấn đề xuất xây dựng nhiệt điện trên địa bàn tỉnh Long An.

Tuy nhiên, chính quyền TP HCM không đồng tình vị trí này vì: mặt bằng hạn chế, chi phí san lấp lớn; chỉ có một tuyến đường Nguyễn Văn Tạo từ phía xã Hiệp Phước (TP HCM) vào Trung tâm điện lực Long An, rất hẹp, khó đi.

Đoạn sông qua khu vực này hẹp, uốn khúc và luồng chính Soài Rạp khó bố trí cảng than; không đảm bảo an toàn cho giao thông hàng hải tàu bè ra vào cảng Hiệp Phước.

Nó cũng chỉ cách TP HCM con sông Soài Rạp, sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái nuôi trồng thủy sản khu vực huyện Cần Giờ.

UBND TP HCM cũng cho rằng, dù có công nghệ mới, nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu than nếu đặt ở đây sẽ tiềm ẩn rủi ro về môi trường như phát tán bụi, xả thải tro xỉ than, nước thải công nghiệp.

Mặt khác, nếu Trung tâm nhiệt điện Long An nằm ở xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc - nằm giữa các luồng kênh rạch và với hướng gió chủ đạo của khu vực miền Nam là Tây Nam - sẽ gây ô nhiễm môi trường rất lớn.

Việc này ảnh hưởng đến quy hoạch Khu đô thị Hiệp Phước đang được TP HCM phát triển thành khu đô thị loại 1 - ven cảng quốc tế quy mô lớn, hiện đại và là đòn bẩy phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Từ đó, TP HCM đề nghị Bộ Công thương chọn vị trí xây dựng nhà máy nhiệt điện ở xã Long Hựu Đông (huyện Cần Đước).

Trung tâm điện lực Long An nằm trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030, đang ở giai đoạn lập quy hoạch nghiên cứu và chọn địa điểm. Theo kế hoạch, trung tâm được xây dựng và đưa vào vận hành từ năm 2024 trở đi với 2 nhà máy tổng công suất 2.800 MW.

Khi hoạt động, trung tâm sẽ cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 17,7 GWh mỗi năm, giúp giải quyết tình trạng thiếu điện của miền Nam. Khi cần thiết, trong tương lai có khả năng mở rộng thêm một hoặc hai nhà máy nữa.

Với công suất này, nhu cầu than tiêu thụ cho nhiệt điện Long An sẽ lên đến gần 10 triệu tấn mỗi năm - dự kiến nhập từ Úc, Indonesia về cảng nhập than theo tuyến sông Soài Rạp.

Hữu Nguyên


0 comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.