Saturday, May 13, 2017

TS Tùng Lâm: 'Đừng luyến tiếc cách dạy trẻ bằng đòn roi'

- Sau việc thầy tổng phụ trách trường THCS Khương Thượng (Hà Nội) bị thôi việc vì tát học sinh, nhiều giáo viên cho rằng thầy cô cũng là con người nên có lúc không kìm chế được và đánh học sinh. Quan điểm của ông thế nào?

ts-tung-lam-dung-luyen-tiec-cach-day-tre-bang-don-roi

NGƯT.TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch HĐQT trường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). Ảnh: Quỳnh Trang.

- Đó là cách nghĩ đứng trên góc độ giữa con người với con người và đòi hỏi sự công bằng. Cách nghĩ này không đúng khi áp dụng với giáo viên có sứ mệnh giáo dục học trò.

Thầy cô giáo phải là người hiểu học sinh, nắm rõ quy luật phát triển tâm lý của trẻ để có những ứng xử và phương pháp giáo dục hợp lý. Trẻ cấp 1 thường ngoan, thầy cô liếc mắt một cái là sợ. Nhưng sang cấp 2 trẻ bắt đầu hình thành tích cách, thích khám phá mọi thứ và thể hiện bản thân. Học sinh cấp 3 có nhu cầu khẳng định mình cao.

Trong quá trình trẻ khám phá và bộc lộ cái "tôi", các em sẽ lúc hành xử đúng, có lúc sai. Nhiệm vụ của nhà giáo ở đây là phải dùng năng lực sư phạm để hướng học sinh đến cái đúng. Thầy giáo không phải “tay anh chị” mà dùng nắm đấm để giải quyết công việc.

- Ông nghĩ gì khi nhiều người giải thích đánh học sinh vì "yêu cho roi cho vọt"?

- Chúng ta nên quên đi và đừng luyến tiếc gì cách giáo dục bằng roi vọt thời xưa. "Yêu cho roi cho vọt" cũng chỉ vì bất lực, bí cách dạy dỗ các em mà phải dùng đến vũ lực thôi. Đòn roi không bao giờ tạo nên nhân cách tốt của một con người. Nhiệm vụ của nhà giáo ngoài dạy kiến thức còn phải dạy học trò biết yêu thương, tôn trọng, khoan dung với mọi người và biết tự chịu trách nhiệm với hành động của bản thân. Nếu chính thầy giáo không đủ khoan dung, tôn trọng, yêu thương mà ra tay đánh học trò thì còn dạy ai được nữa?

Giáo dục không phải lúc nào cũng làm được ngay. Việc "trấn áp" một số cá nhân chỉ giải quyết được vấn đề tức thời. Chuyện học sinh hư phải là vấn đề của toàn nhà trường. Tôi nghĩ, hội đồng giáo dục nên ngồi lại để tìm cách giáo dục không chỉ với những cá nhân làm sai mà cho tất cả học sinh trong trường.

- Vậy giáo viên nên ứng xử thế nào khi bị học sinh nói hỗn, không tôn trọng?

- Khi xảy ra mâu thuẫn với học sinh, tuyệt đối người thầy không được nóng giận mà có hành vi bạo lực, kể cả bằng lời nói. Hành động này vừa không đúng với đạo đức nhà giáo, vừa vi phạm luật pháp.

Lấy ví dụ gần nhất là thầy giáo trường THCS Khương Thượng (Hà Nội) bị học sinh nói hỗn rồi véo tai, tát các em. Nếu là giáo viên có kinh nghiệm, thầy sẽ bình tĩnh lắng nghe và chia sẻ với học sinh. Có thể mềm mỏng nói rằng thầy ghi nhận sự không bằng lòng của các em, sau đó đưa câu chuyện này ra làm đề tài để cả lớp thảo luận. Tất nhiên, sẽ có những học sinh bảo vệ bạn, nhưng cũng không ít em lên án hành vi hỗn láo với thầy. Biến câu chuyện của mình thành vấn đề để học sinh tự giải quyết với nhau, tôi nghĩ là cách làm hiệu quả và khôn khéo.

Ở trường Đinh Tiên Hoàng nơi tôi làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, khi giáo viên có xung đột với học sinh sẽ phải chuyển ngay cho thầy cô chủ nhiệm hoặc lãnh đạo trường giải quyết chứ tuyệt đối không được đối đầu. Người thứ ba khi xem xét vụ việc sẽ bình tĩnh, khách quan để xử lý hợp lý hơn. Ngoài ra, trường sẽ phối hợp với phụ huynh để cùng giáo dục học sinh. Tuyệt đối không đẩy sự việc thành mâu thuẫn với phụ huynh để xảy ra chuyện kiện tụng.

- Nhiều giáo viên đã chọn cách nhẫn nhịn coi như không biết, không đụng đến học trò hư hỗn vì "không khéo lại bị nhà trường kỷ luật". Cách xử trí này sẽ gây tác hại thế nào?

- Chữ "nhẫn" là bản năng của nghề giáo, giúp người thầy có đủ thời gian suy nghĩ tìm ra phương pháp giáo dục tốt, thay vì hành xử hồ đồ, nóng vội. Nhưng chữ “nhẫn” đó không phải để “thủ tiêu” chuyện giáo dục, bỏ lơ học trò. Nếu làm như thế, người thầy còn đáng tránh hơn vì có thái độ vô cảm trước cái sai, thiếu trách nhiệm với công việc của mình.

Thầy cô đừng đổ cho khách quan là học sinh bây giờ hư, học trò như là "vua" nên giáo viên sợ không dám dạy. Sứ mệnh của người thầy là tìm ra phương pháp giáo dục để định hướng đúng cho học trò và tôn trọng những cá tính khác biệt của chúng.

Ở đây có một vấn đề là một số nhà trường đã kỷ luật quá tay với giáo viên phạt đánh học trò như cảnh cáo, đuổi việc. Điều này dẫn đến tâm lý "sợ đụng vào học sinh" của không ít thầy cô. Việc giáo viên đánh học sinh là vi phạm đạo đức, quy chế nhà giáo, chúng ta cần lên án. Tuy nhiên, để giáo viên trong trường phạm lỗi thì hội đồng sư phạm nhà trường cũng có một phần trách nhiệm là chưa giáo dục thầy cô đến nơi đến chốn.

Quan điểm của tôi là không nên đuổi việc những người mắc lỗi lần đầu, không liên quan đến hình sự. Nhà trường chỉ nên tạm đình chỉ công tác rồi để thầy cô trở lại lớp sửa sai. Nếu trường tạo điều kiện và giáo dục nhiều lần mà thầy cô vẫn không thay đổi thì lúc đó áp dụng hình thức kỷ luật nặng nhất là cảnh cáo hoặc đuổi việc.

Ở đây, chính nhà trường và công đoàn giáo dục phải là chỗ dựa, nơi bảo vệ các thầy cô để họ yên tâm thực hiện sứ mạng giáo dục của mình. Nếu các trường động cái là đuổi việc thì giáo viên khác sẽ tự động co mình lại, không dám giáo dục học sinh hư để được yên thân.

Quỳnh Trang thực hiện


0 comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.