Sunday, May 14, 2017

Hai lão nông bị cô lập, trả thù vì phanh phui tiêu cực

Nhiều lần tố cáo sai phạm, tham nhũng, hai ông lão Nguyễn Công Uẩn (81 tuổi) và Nguyễn Tiến Lãng (80 tuổi) ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) từng bị đánh đập, bị vợ con từ chối nuôi cơm nhưng quyết không rút đơn đầu hàng trước những chướng tai gai mắt ở đời.

Phanh phui gần 2.800 hồ sơ thương binh giả

Tháng 4/2015, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội từng phải gửi văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh và chính quyền huyện Thuận Thành lên phương án bảo vệ tính mạng, tài sản cho hai ông Nguyễn Công Uẩn (thôn Bùi Xá, xã Ngũ Thái) và Nguyễn Tiến Lãng (phố Tam Á, xã Gia Đông). Ấy là lúc căng thẳng khi hai lão nông liên tục bị một số kẻ đe doạ tính mạng, phá hoại tài sản để trả thù vì tố cáo gian sai.

Trước đó, từ đơn thư tố cáo của hai lão nông, Bộ Lao động và Bộ Tư lệnh Quân khu 1 đã xác minh, phát hiện một đường dây làm giả 2.745 hồ sơ thương binh ở Bắc Ninh và Quân khu 1, xử lý hình sự 24 người, thu hồi cho ngân sách nhà nước hơn 150 tỷ, giảm chi ngân sách mỗi năm hơn 20 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Công Uẩn kể, từ năm 2003, phát hiện được mấy "ổ cò mồi" nhận bán hồ sơ giả nên ông âm thầm thu thập chứng cứ để tố cáo. Lão nông bất bình vì làng Bùi Xá có người đi bộ đội, thương nặng làm hồ sơ hàng chục năm chưa được hưởng chế độ. Trong khi có người không đi đánh trận ngày nào, chi 30 triệu là xong xuôi một bộ hồ sơ từ A đến Z. Đến ngày lĩnh, họ cho vợ con đi lấy chứ không dám lộ mặt.

"Mình lăn lộn khắp các ngả đường Trường Sơn trong kháng chiến, từng là lính của đoàn 559, bị bom nổ hất tung lên trời khi lái xe cách bom 2m. Sau này làm chế độ ròng rã mấy năm không được vì thiếu giấy chứng thương. Giờ thì đập lúa bắn vào mắt, đánh bạc đêm bị ngã, tuốt lúa cụt tay cũng thương binh", ông Nguyễn Tiến Lãng - người bạn đồng niên cùng đi khiếu kiện với ông Uẩn nhiều năm bức xúc không kém.

23 Tết phải dắt xe đi trốn

Chỉ vào cô cháu gái út cao gần 1m7, vận động viên kiếm thuật 16 tuổi, ông Nguyễn Công Uẩn cười bảo: "Đấy, đi tố cáo chống tham nhũng từ những năm nó còn chưa đẻ, giờ nó đã lớn thế này rồi".

Ngoài vụ hồ sơ thương binh giả, ông Nguyễn Công Uẩn còn "hạ bệ" nhiều quan tham trong làng, xã từ những vụ tiêu cực đất đai. Suốt thời gian mang đơn đi tố cáo sai phạm, ông từng hai lần bị người lạ mặt đuổi, cố tình đâm bằng xe máy khi đi một mình vào ban đêm.

Chỉ vào vết sẹo trên trán, chiếc răng còn lung lay trong miệng, ông bảo đó là hậu quả của trận đòn thù đêm 23 tháng Chạp năm Mậu Tý (2008) khi ông tố cáo trưởng thôn sai phạm trong quản lý đất đai. "Tối đó tôi ở nhà một mình thì hắn xông vào chửi bới, kẹp cổ lôi xềnh xệch ra ngoài sân rồi đấm vào mặt, vào miệng. vừa đánh vừa chửi doạ giết. Tôi cố vùng thoát được rồi lao ra đồng", ông kể.

Đêm đó, ông già gần 80 tuổi phải chờ thật khuya mới dám về nhà, dắt chiếc xe đạp cà tàng đi trốn. Mặt sưng, mắt mũi kèm nhèm nên ông không dám đạp xe mà dắt bộ cả chục km lên công an tỉnh xin cư trú 10 ngày. Công an hứa đảm bảo an toàn nhưng ông không dám về. Đêm ông ngủ trong phòng tiếp dân, ngày thì ngồi làm đơn khiếu kiện.

Một số người đi khiếu kiện quen mặt ông, đi lên công an tỉnh có việc, biết chuyện liền mời ông về ăn Tết nhưng lão nông "không dám suồng sã vì năm mới". Cuối cùng, ông Uẩn theo ông Lãng về nhà ăn Tết. Vợ con ông Uẩn đi tìm khắp nơi nhưng ông Lãng giấu, bảo không biết.

Năm ấy, ông không ăn Tết ở nhà. Sau đó, trưởng thôn đi tù 4 năm. "Giờ hắn ra tù rồi, đi qua thấy vẫn phỉ nhổ, gọi tôi là 'thằng chột' nhưng tôi mặc kệ", ông lão cười, tay chỉ vào một mắt bị hỏng bẩm sinh.

hai-lao-nong-bi-co-lap-tra-thu-vi-phanh-phui-tieu-cuc

Khi bị "cấm vận", ông Uẩn từng phải nuôi bồ câu bán lấy tiền làm chi phí đi lại nộp đơn tố cáo. Giờ đàn bồ câu của ông có gần trăm con. Ảnh: Hoàng Phương.

Lại chỉ ra vườn nhãn, ông chẹp miệng tiếc rẻ, bảo đánh, doạ giết không ăn thua, chúng chuyển sang triệt hạ kinh tế. Vườn nhãn 25 cây cổ thụ ông trồng từ những năm 60, mỗi mùa bói quả đều sai trĩu. Nhà thu hoạch nhiều nhãn thứ hai trong làng, mỗi vụ mang về 30-40 triệu đồng giúp ông nuôi 6 người con ăn học đàng hoàng. Từ năm 2007, cây đang xanh tốt cứ héo rũ rồi chết dần, phải chặt bỏ. Cây nào ông cứu được thì cành trụi lủi, không ra thêm được quả nào nữa. 25 gốc nhãn với 7 cây sấu già, ông tiếc đứt ruột.

Những năm ôm đơn đi khiếu kiện, tốn kém nhiều mà không có tiền, ông thường chỉ nấu cơm một bữa rồi ăn cả ngày. Thức ăn khi là quả cà muối mặn, bát nước mắm nên người ông lão cứ quắt queo. Không ai dám ra mặt ủng hộ ông mà rỉ tai nhau Đấu tranh tránh đâu. Người tốt bụng hơn thì biếu 50.000 đồng ủng hộ tiền chuyển phát nhanh tài liệu tố cáo nhưng ông không lấy.

Vợ con nhiều lần khuyên bảo, thậm chí cắt viện trợ, không nấu cơm cho ăn vì "đã bảo đừng khiếu kiện nữa nhưng cứ không nghe". "Tôi đi đâu cũng phải vụng trộm bà ấy, toàn trốn đi thôi. Con cái còn lấy vôi viết ở tường Nhà không tiếp dân khiếu kiện khiến tôi phải xin lỗi ông Lãng. Ông ấy là người rất tốt với tôi", ông Uẩn kể.

Ông đi tố cáo, con trai thứ hai là giáo viên liền bị gây khó dễ. Cấp trên yêu cầu anh về vận động ông lão rút đơn khiếu kiện. Có năng lực nhưng đường thăng tiến gian truân, vợ chồng anh làm giáo viên đứng lớp bình thường. Con trai thứ tư sống tận Quảng Ninh, thi thoảng về thăm bố, vẫn nửa đùa nửa thật bảo không lấy được vợ trong làng chỉ vì ông Uẩn suốt ngày đi tố cáo sai phạm, khiến đôi trẻ ưng bụng nhưng bố mẹ hai bên không ưng mắt nên đành chia tay.

Khi những tố cáo của ông có kết quả vào năm 2009, ông được Văn phòng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng mời đi gặp mặt các cá nhân có thành tích chống tham nhũng toàn quốc tổ chức ở Đà Nẵng, tình hình trong nhà mới dịu đi. Con cái không còn gay gắt như trước vì khuyên can ông cũng vô ích nên "mặc kệ".

Bà Nguyễn Thị Thơm (74 tuổi) tâm sự, những năm chồng ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, gia đình chưa được ngày nào yên vui mà luôn vắng vẻ như nhà có tội. Bà cứ lặng lẽ, không ai làm cùng mà cũng không dám qua lại với ai vì người ông tố cáo đều trong làng, trong xã. Ra đường hễ gặp người thân của người bị tố cáo bĩu môi, lườm nguýt, bà cũng đành che nón đi qua thật nhanh.

"Nhiều lần, mấy mẹ con ăn hết cơm rồi giấu nồi đi, không cho ông ấy nấu ăn, phải nhịn đói mà bỏ nhưng ông ấy không bỏ. Không phải không thương mà sợ lắm. Giờ hỏi có ủng hộ ông ấy không à? Chẳng lúc nào ủng hộ hết vì ông ấy đi tố cáo động chạm đến quyền lợi nhiều người nên bị ghét bỏ, nó đặt cho quả mìn thì chết cả. Ông ấy đi bao giờ về nhìn thấy mặt mới yên tâm", bà nói.

8 năm ăn cơm riêng, ngủ riêng để đi tố cáo

Trên hành trình gian truân đi tìm công lý, ông Uẩn không đơn độc mà gắn bó với người bạn già Nguyễn Tiến Lãng như ruột thịt. Hai lão nông thân thiết bởi cùng thẳng tính, không chịu nhắm mắt làm ngơ trước thói tham lam ở đời. Hai người quen biết nhau từ hồi trẻ khi ông Lãng đi học ca vũ từ ông Uẩn.

"Tôi bị vợ càu nhàu, con cái ông ấy cũng không hỏi han nên chẳng sung sướng gì. Thậm chí ông ấy ăn riêng, ngủ riêng 8 năm trời để đi khiếu kiện tố cáo", ông Uẩn kể.

hai-lao-nong-bi-co-lap-tra-thu-vi-phanh-phui-tieu-cuc-1

Ông Nguyễn Tiến Lãng từng là lái xe của Đoàn 559 phục vụ trên các tuyến đường Trường Sơn những năm kháng chiến. Ảnh: Hoàng Phương.

Biết ông Uẩn không có tiền, ông Lãng nuôi cơm. Đi Hà Nội gửi đơn tố cáo đến bộ ngành, ông Lãng trả tiền xe. Tiền ăn ở, đi lại của hai ông lão dựa cả vào đồng lương hưu 3,1 triệu đồng của ông Lãng. Vợ ông Lãng giận, hỏi "Tiền lương hưu mặt ngang mũi dọc ra sao không thấy ông đưa đồng nào?". Ông xin vợ thông cảm, bảo tiền đó mang đi làm việc vì nước vì dân chứ không uống rượu hay làm gì khuất tất. Bị nói nhiều, ông tự ái, ăn cơm riêng, ngủ riêng 8 năm để khỏi phiền vợ.

Năm 2013, ông đi tố cáo tham nhũng đất đai liền bị người ta chặn đường đánh, bị ném đá, ném chất thải đầy nhà, chửi rủa suốt một tuần. 100 cây bưởi Diễn, 100 cây đu đủ ông trồng đang ra hoa bị chặt bằng sạch, vườn tan tác như bị rải bom. Có lần, vợ ông Lãng sợ chồng bị đánh nên khoá cửa nhốt trong nhà.

Thành tích chống tham nhũng của ông Lãng chẳng kém người bạn già Nguyễn Công Uẩn. Từ năm 2004 đến nay, những tố cáo chính xác của ông về tham nhũng đất đai buộc một cán bộ địa chính đi tù, 24 cán bộ cấp uỷ bị cảnh cáo, khai trừ Đảng 7 người. Trong vụ khui gần 2.800 hồ sơ thương binh giả, có người sai phạm là anh em đằng vợ. Vì việc đó mà vợ chồng ông to tiếng với nhau.

"Xác định tố cáo có thể mất anh em nhưng tôi vẫn làm. Nếu anh em mình sai mà chừa ra thì còn nói được ai", ông nói.

Mỏi mòn chờ... được ghi nhận

Từ đầu năm 2017 đến nay, ông Lãng vẫn tiếp tục đi tố cáo sai phạm còn ông Uẩn thì "rửa tay gác kiếm" vì tuổi cao sức yếu, chủ yếu ở nhà tư vấn, viết đơn cho những người khác đi chống tham nhũng. Ông bảo, già rồi đành lùi một bước chứ không đầu hàng.

Từ năm 2015, hai lão nông bốn lần gửi đơn lên lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, thắc mắc có đủ điều kiện khen thưởng hay không. Vì hai ông nhận được công văn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thông báo được khen thưởng sau khi phanh phui vụ gần 2.800 hồ sơ thương binh giả nhưng chờ đợi hai năm chưa thấy gì. Trong đơn, hai lão nông khẳng định "chúng tôi đã 80 tuổi, còn sống ngày nào sẽ đấu tranh chống tham nhũng đến hơi thở cuối cùng".

"Chúng tôi không nghĩ đi tố cáo để lấy khen thưởng, dại gì hy sinh cả tính mạng để đổi tờ giấy khen mà chỉ muốn làm trong sạch Đảng, vững mạnh chính quyền. Nếu được thì cũng vui để an ủi tuổi già, cổ vũ những người khác cùng mạnh dạn đứng lên chống tham nhũng. Nếu không được thì cũng không buồn vì mình đã làm tròn trách nhiệm với dân, với nước”, ông Lãng nói.

Lãnh đạo Cục chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết đã phản hồi văn bản của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xin ý kiến xem xét khen thưởng cho hai cụ ông Nguyễn Công Uẩn và ông Nguyễn Tiến Lãng về thành tích tố cáo, phanh phui ra đường dây chạy 2.745 bộ hồ sơ giả mạo để hưởng chế độ người có công. Cục đồng tình với việc khen thưởng và cần làm sớm cho hai cụ. Nếu không xác định được khen thưởng về chống tham nhũng thì có thể khen thưởng về tố giác tội phạm, không nên cứng nhắc.

Theo ông Lưu Hồng Sơn, Phó chánh văn phòng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết từ năm 2015 đến nay, Bộ đã hai lần gửi công văn về UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị hiệp y, xem xét khen thưởng hai ông nhưng tỉnh không phản hồi. Mới đây, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cho biết "sang tuần sẽ có trả lời chính thức”.


0 comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.