Friday, May 12, 2017

Cánh tay rôbôt của 'nam sinh bị từ chối cấp visa'

Không gian sáng tạo của Phạm Huy (lớp 11 trường THPT Quảng Trị) nằm trong góc phòng tầng 2 ngôi nhà ở xã Triệu Tài (Triệu Phong, Quảng Trị). Từ lớp 8, Huy đã ấp ủ ý tưởng làm một cánh tay hỗ trợ người khuyết tật, bởi Quảng Trị chứa nhiều bom mìn, có rất nhiều nạn nhân chiến tranh.

“Việc làm cánh tay hỗ trợ cho người khuyết tật có nhiều trên thế giới, nhưng hỗ trợ cho người mất đi hoàn toàn cánh tay thì chưa có nhiều, nhất là ở Việt Nam”, Huy bộc bạch.

Từ đó, em đưa ra ý tưởng thiết kế cánh tay rôbôt được điều khiển từ bộ cảm ứng lắp đặt ở giày và cổ chân người khuyết tật. 4 ngón chân điều khiển 4 nút ở đầu mũi giày, tương ứng với cử động co duỗi 5 ngón tay. Cảm ứng chuyển động và cảm ứng nghiêng lắp ở cổ chân điều khiển cánh tay co duỗi, xoay các hướng. Sản phẩm có thể thiết kế cho người mất hoàn toàn hay một phần cánh tay.

Đam mê thiết kế, Huy nói toàn bộ kiến thức lập trình và thiết kế phần cứng đều do em tự học trên mạng. Những khó khăn, lập trình chưa hoàn thành, Huy lại nhờ các anh chị đi trước giải đáp. Linh kiện điện tử và dụng cụ được em đặt mua từ Hà Nội, hoặc Đà Nẵng.

canh-tay-robot-cua-nam-sinh-bi-tu-choi-cap-visasinh-ra-o-manh-dat-co-nhieu-nan-nhan-chien-tranh-pham-huy-da-nghien-cuu-sang-tao-canh-tay-robot-co-the-thuc-hien-31-cu-chi-rieng-biet-nham-ho-tro-nhung-nguoi-khuyet-tat

Phạm Huy và góc sáng tạo ra sản phẩm được cử đi dự thi quốc tế. Ảnh: Hoàng Táo

Năm lớp 10, sản phẩm đầu tay của Huy ra đời, dự cuộc thi của cộng đồng thiết kế trên mạng Internet và giành giải khuyến khích. Một năm sau, em cải tiến sản phẩm, trình bày ý tưởng với nhà trường và dự các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Huy giới thiệu sản phẩm cuối cùng này có 31 cử chỉ độc lập, được in bằng máy 3D với vật liệu nhựa PLA thay cho nhựa mica như sản phẩm đầu tay. Cánh tay có thể cầm nắm được vật nhẹ như thìa nhôm, ly nước, nâng tạ co duỗi nặng 2 kg, xách được vật nặng 11 kg. Quá trình hoàn thiện sản phẩm, Huy nhờ một người khuyết tật sử dụng thử và nhận được đánh giá tích cực.

Tháng 3 vừa qua, cánh tay rôbôt của Huy là một trong 5 dự án giành giải nhất tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Bắc năm học 2016-2017, được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đại diện Việt Nam dự thi Khoa học kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF 2017) tại California, Mỹ.

Biết mình sẽ được đi dự thi quốc tế, Huy đã thiết kế và làm sản phẩm cánh tay mới. Lúc này, em nhận được sự hỗ trợ từ giáo viên Lê Công Long, ăn ngủ với sản phẩm ở ngay tại nhà thầy Long. “Thầy để cho Huy cái giường bên cạnh, khi nào mệt thì lăn ra ngủ”, Huy kể. Liên tục 2 tháng, em thức đến 2-3h sáng để hoàn thiện sản phẩm.

canh-tay-robot-cua-nam-sinh-bi-tu-choi-cap-visasinh-ra-o-manh-dat-co-nhieu-nan-nhan-chien-tranh-pham-huy-da-nghien-cuu-sang-tao-canh-tay-robot-co-the-thuc-hien-31-cu-chi-rieng-biet-nham-ho-tro-nhung-nguoi-khuyet-tat-1

Cánh tay rôbôt và bộ điều khiển ở chiếc giày do Huy sáng tạo. Ảnh: Hoàng Táo

Thức đêm liên tục, không đảm bảo tiếp tục theo học chương trình bình thường nên trường THPT Quảng Trị linh động để huy tự học ở nhà, giáo viên gửi bài học và hỗ trợ em qua mạng Internet. “Chúng tôi tạo điều kiện để em tạm ngừng học, giáo viên sẽ dạy lại kiến thức và giúp em ôn thi học kỳ 2 vào dịp hè này”, Hiệu phó Phan Thị Thảo cho hay.

Ông Phạm Xuân Đính, ba của Phạm Huy, nói gia đình hỗ trợ em hết sức. Những phần thi công vật liệu nhựa thì ông làm giúp con trai, giúp một phần cơ khí trong khả năng tay nghề của thợ sửa xe máy. Trong khi đó, mẹ bán vải ở chợ nên chỉ động viên Huy về tinh thần.

Dù đặt nhiều tâm huyết nhưng Phạm Huy vừa bị từ chối cấp visa để đi Mỹ dự cuộc thi Intel ISEF 2017 diễn ra từ 12 đến 22/5. Huy 2 lần ra Hà Nội để phỏng vấn cấp visa, trong đó lần đầu do không nắm rõ quy định công dân chưa đủ 18 tuổi cần có bố mẹ đi cùng nên em bị từ chối phỏng vấn. Lần thứ hai cách đây 4 ngày, ông Đính cùng Huy ra phỏng vấn cũng bị từ chối.

Ông Đính cho hay Huy và gia đình hụt hẫng vì không thể dự thi. “Đây không chỉ là vinh dự mà là cơ hội để em gặp gỡ, học hỏi bạn bè quốc tế về đam mê sáng tạo rôbôt”, ông Đính nói.

Sắp xếp lại góc học tập, đặt cánh tay rôbôt một bên, Huy đang tập trung học lại chương trình văn hoá. Với giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Bắc, em được tuyển thẳng vào hầu hết đại học, và sẽ lựa chọn ngành tự động hóa, hoặc công nghệ thông tin tại một đại học ở TP HCM.

“Cánh tay này em sẽ tiếp tục hoàn thiện, có giá thành sản phẩm rất rẻ chỉ 2,8 triệu đồng, hy vọng được ứng dụng trong cuộc sống, giúp đỡ nhiều người khuyết tật”, Huy nói.

Hoàng Táo


0 comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.