Thursday, May 11, 2017

Buổi làm việc về quy hoạch Sơn Trà 'không có tiếng nói chung'

Chiều 11/5, đoàn công tác do Phó Tổng cục trưởng Du lịch Hà Văn Siêu dẫn đầu đã có buổi làm việc với Hiệp hội du lịch Đà Nẵng - một cuộc họp "đóng cửa" với báo chí.

Đây là buổi làm việc sau khi ông Huỳnh Tấn Vinh đại diện Hiệp hội du lịch Đà Nẵng gửi kiến nghị đến Thủ tướng, bày tỏ lo ngại về bản Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà (Đà Nẵng) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tổng cục Du lịch mời Hiệp hội du lịch ra Hà Nội làm việc nhưng ông Vinh đã xin tổ chức tại Đà Nẵng và được chấp thuận.

buoi-lam-viec-ve-quy-hoach-son-tra-khong-co-tieng-noi-chung

Ông Huỳnh Tấn Vinh tường thuật với báo giới về buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Đông.

Tường thuật với báo giới về buổi làm việc, ông Vinh cho biết đã có những tranh luận giữa Tổng cục Du lịch và Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, nhưng hai bên "không gặp nhau về bản quy hoạch Sơn Trà do Thủ tướng phê duyệt". Các thành viên Hiệp hội du lịch Đà Nẵng đã không ký vào biên bản làm việc. Hai bên lặng lẽ ra về sau buổi họp kéo dài 2 giờ đồng hồ.

Lý do không có tiếng nói chung, theo ông Vinh, phía Hiệp hội du lịch Đà Nẵng đã nêu vấn đề cốt lõi là điều chỉnh lại quy hoạch Sơn Trà. Tuy nhiên phía Tổng cục Du lịch cho rằng bản quy hoạch đã làm đúng quy trình, và do Chính phủ mới ký quyết định ban hành nên không điều chỉnh được.

Ông Hà Văn Siêu khẳng định, trước khi hoàn thiện và trình Thủ tướng bản quy hoạch bán đảo Sơn Trà, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã lấy ý kiến của nhiều Bộ, ngành liên quan. Tổng cục Du lịch cũng cho biết bản quy hoạch này được thực hiện từ năm 2013 đến 2016 mới được phê duyệt.

"Quan điểm của chúng tôi là dù bản quy hoạch mới ban hành năm 2016 nhưng không phù hợp thì phải điều chỉnh. Thêm nữa, trước khi Tổng cục Du lịch trình bản quy hoạch Sơn Trà cho Thủ tướng phê duyệt, đã không lấy ý kiến rộng rãi, ngay cả Hiệp hội du lịch thành phố cũng chưa được lấy ý kiến, nên không thể nói là đúng quy trình được", ông Vinh nói.

Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho biết, bán đảo Sơn Trà là khu vực hết sức nhạy cảm về đa dạng sinh học, nhưng đánh giá tác động môi trường chiến lược và  giải pháp bảo vệ đa dạng sinh học như thế nào thì không được đề cập trong quy hoạch nên chưa phù hợp.

Không hài lòng về buổi làm việc, ông Vinh cho rằng dường như phía Tổng cục Du lịch tổ chức cuộc họp này chỉ "nhằm thông báo lại cho Hiệp hội du lịch Đà Nẵng biết là bản quy hoạch đã được duyệt theo đúng quy trình".

"Chúng tôi có lời mời đoàn của Tổng cục du lịch lên Sơn Trà ngắm voọc, nhưng các anh ấy từ chối và cho biết chưa từng nhìn thấy voọc chà vá chân nâu. Nhưng các anh ấy cũng nói, dù chưa thấy voọc vẫn có thể làm quy hoạch Sơn Trà được", ông Vinh thuật lại. "Tôi nghĩ Tổng cục Du lịch có thời gian để suy nghĩ lại".

buoi-lam-viec-ve-quy-hoach-son-tra-khong-co-tieng-noi-chung-1

Giữa tháng 3, người dân đã phát giác Công ty Biển Tiên Sa xây dựng 40 móng biệt thự không phép trên Sơn Trà. Ảnh: Nguyễn Đông.

Đại diện Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho biết vẫn hy vọng lãnh đạo cao nhất của Chính phủ xem xét lại bản quy hoạch Sơn Trà, xuất phát từ thực tế. Theo đó, hiệp hội sẽ tiếp tục kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch quốc gia Sơn Trà theo hướng bảo vệ đa dạng sinh học, an ninh quốc phòng và bảo vệ được báu vật Sơn Trà của người dân Đà Nẵng.

"Các anh ở Tổng cục Du lịch đã giữ quan điểm của mình là sẽ không điều chỉnh quy hoạch mà sẽ tiếp tục triển khai. Chúng tôi kiến nghị cần tổ chức buổi hội thảo rộng rãi với sự tham gia của các nhà khoa học, đại diện Hiệp hội du lịch để thu thập ý kiến của công luận trước khi trình Thủ tướng", ông Vinh nói thêm.

Đồng quan điểm, ông Trịnh Bằng Có, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho rằng người dân và các chuyên gia cần được góp tiếng nói với bản quy hoạch Sơn Trà. Còn ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch, Phó hiệp hội du lịch Đà Nẵng, nói rất trân quý những tâm huyết của hiệp hội với mong muốn phát triển du lịch bền vững.

Về phía Tổng cục Du lịch, ông Hà Văn Siêu từ chối trả lời báo chí và lên xe rời đi ngay sau cuộc họp.

Tháng 3/2017, UBND TP Đà Nẵng mới đây công bố đồ án quy hoạch phía Ðông và bán đảo Sơn Trà tỷ lệ 1/5000 với mục tiêu cụ thể hóa định hướng của quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050, được Thủ tướng phê duyệt.

Quy hoạch được chia thành 10 khu ở và 5 đơn vị chức năng độc lập. Trong đó đất dân dụng khoảng 2.000 ha (41%), các loại đất khác trong phạm vi khu dân dụng khoảng 46 ha (0,9%), đất xây dựng ngoài phạm vi khu dân dụng khoảng 2.900 ha (57%).

Lập tức, nhiều chuyên gia lo ngại bản quy hoạch này sẽ khiến Sơn Trà bị bê tông hóa, vì khai thác quá nhiều khu du lịch, biệt thự... với ý tưởng biến một phần không nhỏ Sơn Trà thành khu biệt thự núi (có nhiều khu đã được cấp phép). Thêm vào đó, việc xây dựng những khu nghỉ dưỡng sẽ thay đổi tập tính sinh hoạt tự nhiên của các loài động vật hoang dã, chia cắt sinh cảnh rừng, chia tách các loài động vật đang sinh sống, đặc biệt là vọoc chà vá chân nâu

Nguyễn Đông


0 comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.