Friday, May 12, 2017

Bộ Nội vụ khảo sát 18 cơ quan để đề xuất cơ chế tạo nguồn lãnh đạo

Ngày 12/5, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động của dự án hỗ trợ cải cách chế độ công vụ, công chức Việt Nam giai đoạn 2015 – 2017 

Bà Lê Minh Hương, Phó Vụ trưởng Công chức Viên chức, Bộ Nội vụ cho biết, dự án trên được khởi động từ năm 2015, tổng nguồn vốn 1,25 triệu USD.

Dự án có mục tiêu nâng cao chất lượng quản lý nguồn nhân lực trong khu vực công, với 70% các cơ quan hành chính áp dụng quản lý nguồn nhân lực theo kết quả đầu ra trên bản mô tả vị trí việc làm; hệ thống chức danh tiêu chuẩn và đánh giá kết quả việc làm vào năm 2020.

Đến nay, dự án đã hỗ trợ phân tích và xây dựng bản mô tả vị trí việc làm tại Bộ Tài nguyên Môi trường, tỉnh Quảng Ninh và mở rộng thêm tỉnh Quảng Trị, Bà Rịa – Vũng Tàu. Dự án cũng đã tiến hành khảo sát 8 bộ, 10 tỉnh thành để tìm hiểu hệ thống chức danh tiêu chuẩn hiện tại và đưa ra một số đề xuất để làm cơ sở cho việc quy hoạch, tuyển chọn, bồi dưỡng, đánh giá và tạo nguồn những nhà lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính nhà nước.

“Việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh sẽ giúp thúc đẩy nền công vụ Việt Nam tiệm cận mô hình quản lý tiên tiến của các nước trong quá trình cải cách; giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện tốt quá trình hội nhập”, bà Hương nói. 

bo-noi-vu-khao-sat-18-co-quan-de-de-xuat-co-che-tao-nguon-lanh-dao

Bà Lê Minh Hương, Phó Vụ trưởng Công chức Viên chức, Bộ Nội vụ

"Tuyển dụng như lâu nay thì mô tả vị trí việc làm cũng vô dụng"

Phát biểu tại hội nghị, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, mô tả vị trí việc làm không phải bây giờ mới được thực hiện, mà đã làm từ những năm 80 theo mô hình Cộng hòa dân chủ Đức. Tuy nhiên, do "thiếu quyết tâm chính trị, các bộ ngành thờ ơ, trên không có chỉ đạo, luật pháp không có" nên thất bại.

"Mô tả vị trí việc làm quan trọng nhưng chỉ là một bộ phận của toàn bộ cải cách chế độ công vụ, công chức. Vì vậy nếu để nó đơn độc thì sẽ không thay đổi được", ông Vũ Khoan nói.

Nguyên phó thủ tướng cho rằng, nếu cơ chế đào tạo và tuyển dụng vẫn như lâu nay thì mô tả vị trí việc làm cũng vô dụng. "Tôi từng chứng kiến một bộ không liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật nhưng lại tuyển công chức học trường Mỹ thuật công nghiệp. Hay có anh học trường Giao thông đi làm ở một Bộ về khoa học. Tôi rất ngạc nhiên và hỏi  sao cháu lại về đây làm, thì cậu ấy chỉ tủm tỉm cười. Vậy thì mô tả vị trí việc làm như thế nào", nguyên Phó thủ tướng nói.

"Cần áp dụng nguyên tắc thực tài"

Ông Đào Việt Dũng, chuyên gia cải cách công ADB cho rằng, có 2 trụ cột quan trọng để cải cách công vụ là quản lý theo năng lực và kết quả. Trong đó, quản lý theo năng lực là đúng người, đúng vị trí, phát huy tiềm năng. Còn quản lý theo kết quả là lấy kết quả cuối cùng làm thước đo.

"Trong quản lý dịch vụ công, sự hài lòng của dân là điều kiện rất quan trọng. Để có được sự hài lòng đó thì cần áp dụng nguyên tắc thực tài. Nghĩa là việc tuyển dụng, bổ nhiệm cần đánh giá đúng năng lực và giá trị tạo ra của ứng viên cho vị trí cụ thể. Nếu chỉ dựa trên mối quan hệ như hậu duệ, bằng hữu hay là mua quan bán chức thì không ổn", ông Dũng nói.

Chia sẻ kinh nghiệm về việc tuyển chọn người tài vào làm việc ở khu vực công của Hàn Quốc, Giáo sư hành chính công Pan Suk Kim (Đại học Yonsei) - Chủ tịch Hiệp hội Hành chính Châu Á cho biết, Hàn Quốc quy định tất cả các chức vụ bổ nhiệm và trách nhiệm của một công chức đều dựa trên năng lực được công nhận qua các bài thi; tỷ lệ cạnh tranh của kỳ thi tuyển công chức mở 2016 của Hàn Quốc là 1/41.

bo-noi-vu-khao-sat-18-co-quan-de-de-xuat-co-che-tao-nguon-lanh-dao-1

Quy trình đổi mới trong bổ nhiệm chính trị của Hàn Quốc.

Ông cho biết Hàn Quốc còn có hệ thống thỏa thuận về hiệu quả công việc áp dụng từ cấp Trưởng ban, Cục trưởng (Vụ trưởng) trở lên và được đánh giá kết quả công tác mỗi năm một lần. Hàn Quốc cũng đánh giá hiệu quả công việc của các bộ ngành trung ương. Đây là việc triển khai bắt buộc do Văn phòng Thủ tướng chủ trì. 

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, cải cách chế độ công vụ, công chức có nhiều nhiệm vụ, trong đề án của Bộ Nội vụ xác định một số nhóm nội dung chính.

Nhóm thứ nhất là xác định khung vị trí việc làm và xây dựng bản mô tả vị trí việc làm theo tiêu chuẩn chức sách ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành.

Nhóm thứ 2 là hoàn thiện hệ thống chức danh, tiêu chuẩn (khung năng lực) theo ngạch, theo chức danh nghề nghiệp và vị trí lãnh đạo, quản lý; đổi mới thi tuyển, cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý từ trung ương đến địa phương.

Và nhóm thứ 3 là hỗ trợ xây dựng và ban hành quy trình đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, kết quả làm việc.


0 comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.