Monday, April 17, 2017

Đề nghị báo cáo giải quyết tố cáo của công dân ở nghị trường

Chiều 17/4, góp ý về việc chuẩn bị kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề xuất đưa báo cáo tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân vào chương trình, có thể áp dụng từ kỳ họp thứ tư. Thông thường nội dung này được báo cáo vào kỳ họp cuối năm nhưng sau khi thảo luận tại Thường vụ chỉ được gửi tới đại biểu, chưa được trình tại hội trường.

"Tôi rất băn khoăn vì số đơn thư công dân gửi tới Quốc hội ngày càng nhiều, hiện một tuần nhận khoảng 500 đơn thư tố cáo, một năm hơn 20.000 đơn, trong đó 70% liên quan đến đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng. Việc giám sát giải quyết đơn thư tố cáo được dân rất quan tâm và kỳ vọng", bà Hải nói.

Trưởng ban Dân nguyện cho biết, khi đi giám sát tại địa phương thấy việc thực hiện nội dung này còn rất nhiều bất cập. Nếu báo cáo được trình bày trên hội trường Quốc hội thì sẽ được cử tri và Quốc hội quan tâm hơn, góp phần quan trọng ổn định tình hình chính trị, xã hội tại địa phương.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng hiện nay tình hình an ninh trật tự rất phức tạp, nên việc giải quyết thông tin tố cáo, nắm bắt đời sống, tâm tư nguyện vọng của dân, Quốc hội phải nắm chắc chắn.

Chốt lại nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng nếu trong kỳ họp giữa năm, theo luật giám sát, Hội đồng dân tộc và các ủy ban có báo cáo và Quốc hội thấy cần thiết thì sẽ đem ra thảo luận. Riêng báo cáo giải quyết khiếu nại, đơn thư tố cáo của công dân, bà Ngân đề nghị thiết kế luôn trong báo cáo giám sát nêu trên, "cần thì tăng thời lượng chứ không làm báo cáo riêng".

de-nghi-bao-cao-giai-quyet-to-cao-cua-cong-dan-o-nghi-truong

Bà Nguyễn Thanh Hải.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ băn khoăn khi nội dung kỳ họp thiếu việc cho ý kiến và thông qua các công trình trọng điểm quốc gia, như: cao tốc Bắc Nam, dự án chống ngập ở TP HCM và nâng cấp đường sắt Bắc Nam.

“Có yêu cầu bố trí 80 nghìn tỷ trái phiếu Chính phủ cho các dự án này nhưng nay nội dung không thấy nói đến. Tôi đề nghị báo cáo thêm chỗ này, nếu dừng lại thì mất thêm 6 tháng, trong khi đó vốn không giải ngân được sẽ lãng phí”, ông Hiển nói.

Giải đáp thắc mắc này, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng cho biết, sáng 17/4 Bộ Giao thông Vận tải thừa ủy quyền Thủ tướng đã ký gửi Quốc hội Dự án đường cao tốc Bắc Nam và việc giải phóng mặt bằng trong dự án sân bay Long Thành.

Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế thẩm tra dự án cao tốc Bắc Nam; Ủy ban Tài chính Ngân sách thẩm tra toàn bộ dự án đầu tư công trung hạn; Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường thẩm tra dự án chống ngập của TP HCM.

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp thứ ba, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 21,5 ngày. Phiên trù bị và khai mạc diễn ra ngày 22/5 và dự kiến bế mạc ngày 20/6. Quốc hội sẽ không làm việc ngày thứ bảy để đại biểu có thời gian nghiên cứu tài liệu. 

Tiếp thu ý kiến đề nghị của đại biểu, Quốc hội sẽ tăng thời gian làm việc tại hội trường, nhất là đối với các dự án luật quan trọng có phạm vi điều chỉnh rộng. Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được bố trí 3 ngày (tăng 0,5 ngày so với trước đây).

Theo dự kiến, ở kỳ họp thứ ba, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến về 4 dự án luật. Có 4 dự án luật bị rút ra khỏi dự kiến chương trình gồm: Luật về hội; Luật bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động; Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện để tiếp tục hoàn thiện.

Hoàng Thùy


0 comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.