Saturday, April 29, 2017

Chủ đầu tư thua lỗ, xin bán dự án BOT cho Nhà nước

Công ty cổ phần BOT cầu Việt Trì, chủ đầu tư dự án BOT cầu Hạc Trì (Phú Thọ) gần đây liên tục có văn bản kiến nghị cơ quan chức năng về việc thua lỗ. Từ 1/8/2016, lượng xe cơ giới qua cầu Hạc Trì giảm rõ rệt, doanh thu chỉ còn khoảng 170 đến 200 triệu đồng mỗi ngày, trong khi theo phương án tài chính phải đạt hơn 300 triệu đồng.

Lý giải nguyên nhân, chủ đầu tư cho biết theo phương án tài chính đầu tư BOT cầu Hạc Trì đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, nhà nước sẽ cấm phương tiện cơ giới lưu thông trên cầu Việt Trì cũ vì xuống cấp. Phương tiện sẽ dồn vào cầu Hạc Trì và phương án tài chính cho dự án được đảm bảo.

Tuy nhiên, do người dân phản đối "cấm đường" với cầu Việt Trì cũ nên cơ quan chức năng cho phép phương tiện dưới 7 chỗ được lưu thông miễn phí qua cầu này, dẫn đến các chủ phương tiện không chọn đi cầu Hạc Trì (phải mua vé).

chu-dau-tu-thua-lo-xin-ban-du-an-bot-cho-nha-nuoc

Trạm thu phí cầu Hạc Trì bị thất thu so với phương án tài chính của dự án. Ảnh: Xuân Hoa

Với sự thay đổi phân luồng xe, đại diện chủ đầu tư cho biết, dự án BOT cầu Hạc Trì lâm cảnh thua lỗ nặng, có thể phải thu phí kéo dài đến 40 năm để hoàn vốn. Trong khi, các ngân hàng không cho doanh nghiệp kéo dài lâu như vậy.

"Trước nguy cơ thua lỗ, doanh nghiệp không có khả năng vận hành trạm thu phí. Chúng tôi muốn bán lại dự án BOT Hạc Trì cho Nhà nước", đại diện chủ đầu tư nói. Tuy nhiên, sau nhiều lần thương thảo với Bộ Giao thông, các bên chưa tìm ra phương án giải quyết tình trạng thua lỗ của dự án BOT này.

Mỗi ngày chủ đầu tư lỗ gần 5 tỷ đồng 

Tương tự, doanh nghiệp đầu tư dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng lâm cảnh thua lỗ. Theo báo cáo tài chính của Tổng công ty cổ phần phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (Vidifi), do chi phí vận hành, lãi vay cũng như khấu hao dẫn đến Vidifi lỗ 1.756 tỷ đồng trong năm 2016. Tính bình quân, mỗi ngày chủ đầu tư tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thua lỗ gần 5 tỷ đồng.

Đây là dự án có tổng mức đầu tư 45.500 tỷ đồng, phần lớn vay vốn lãi suất thương mại dao động 10,5-11,4% trong thời gian 30 năm. Để hoàn vốn cho dự án, Vidifi được phép thu phí trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và quốc lộ 5 cũ.

Cách đây một năm, khi đề nghị cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, lãnh đạo Vidifi cho biết: “Không thể không tăng, nếu không chúng tôi sẽ phá sản”. Theo vị này, mức thu phí sau khi tăng chỉ đủ trả 50% số tiền lãi hàng ngày, tức đạt 4 tỷ đồng trả lãi trong khi tiền lãi mỗi ngày là 8 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Vidifi, ở dự án này Nhà nước cam kết hỗ trợ tiền giải phóng mặt bằng 4.000 tỷ đồng song đến nay chủ đầu tư chưa nhận được đồng nào. Chi phí giải phóng mặt bằng hoàn toàn do doanh nghiệp ứng ra, trong đó có 375 tỷ đồng xây dựng khu tái định cư được các địa phương chi trả theo cam kết.

chu-dau-tu-thua-lo-xin-ban-du-an-bot-cho-nha-nuoc-1

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng lỗ gần 5 tỷ đồng mỗi ngày. Ảnh: Giang Huy

Dự án BOT tuyến tránh Vinh, Hà Tĩnh cũng lâm cảnh khó khăn khi người dân phản ứng buộc chủ đầu tư phải thay đối phương án tài chính, kéo dài thời gian thu phí. Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Chủ tịch Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) bày tỏ, khi nhà đầu tư giảm giá vé, kéo dài thời gian thu phí thì sẽ rất thiệt hại vì dự án không kịp thời trả lãi ngân hàng, thời gian bảo trì tuyến đường tăng, tổng chi phí của dự án BOT tăng theo. 

"Trước đây, các tỉnh thành ra sức kêu gọi nhà đầu tư về địa phương làm BOT để giao thông được cải thiện, nhưng giờ chúng tôi đang chịu thua thiệt", ông Huỳnh nói. 

Một nhà đầu tư lớn vào hạ tầng giao thông - lãnh đạo Công ty CP Tasco - cũng chia sẻ muốn tìm kiếm các cơ hội đầu tư khác tốt hơn thay vì lĩnh vực BOT. Lý do Tasco đưa ra là tỷ suất sinh lời khoảng 11,5% không quá cao, trong khi nguồn vốn chủ sở hữu bị “giam” quá lâu. 

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Công ty cổ phần Tasco, nói: "Nhà đầu tư như chúng tôi nản lòng khi dư luận bảo ăn dày, ăn mỏng, trong khi lợi nhuận 11-12% trên vốn chủ sở hữu theo đúng hợp đồng".

Theo ông Dũng, thời gian qua mặc dù đầu tư BOT có tỷ suất sinh lời thấp song doanh nghiệp xây dựng lấy công làm lãi, tạo công ăn việc làm cho công nhân. "Nếu không giải quyết có tình, có lý, thì nhà đầu tư trong nước, nhà tài chính quay lưng lại, không ai dám làm nữa", ông Dũng nói. 

Hàng loạt dự án BOT đã góp phần thay đổi diện mạo giao thông đường bộ ở Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực này đã bộc lộ không ít tồn tại, bất cập, chưa bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước - Nhà đầu tư - Người sử dụng. VnExpress cung cấp số liệu tổng quan và góc nhìn đa chiều về các dự án BOT thời gian qua. 

Đoàn Loan


0 comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.