Monday, April 24, 2017

Cà phê chế biến ướt được xuất khẩu sang Nhật và châu Âu

Công ty TNHH một thành viên Cà phê Eapok được thành lập từ năm 1976 trên cơ sở trưng thu, tiếp quản các đồn điền của chế độ cũ. Được giao gần 867 ha đất tự nhiên tại huyện Cư M'Gar, tỉnh Đắk Lắk, công ty dành hơn 700 ha để canh tác cà phê và quản lý trên 500 công nhân, trong đó chủ yếu là người dân tộc thiểu số.

Trước đây, cà phê trong vườn hầu hết là loại già cỗi lâu năm với 42% cây trên 30 tuổi, 20% cây trên 25 tuổi. Ngoài ra, thời tiết thay đổi thất thường, giá cà phê lên xuống bấp bênh... cũng ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất khiến cuộc sống của cán bộ công nhân viên và công nhân gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, ban lãnh đạo công ty đã họp bàn để tìm hướng giải quyết thỏa đáng.

polyad

Cà phê ở Đắk Lắk. Nguồn: sonongnghiep.daklak.gov.

Xác định rõ mục tiêu chủ lực là phát triển cây cà phê, ban lãnh đạo công ty quyết định thực hiện các chính sách giao khoán đất trồng cho công nhân và người dân địa phương. Do đặc thù là khu vực có đa số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, người dân không có vốn đầu tư nên công ty triển khai hình thức khoán linh động, cùng góp vốn và hưởng theo mức đầu tư. Bên cạnh đó, công ty cũng tái canh tác bằng việc thay thế dần số cây cà phê già cỗi. Dù đây là bài toán mạo hiểm vì số diện tích cần thay thế khá lớn nhưng với sự nỗ lực của tập thể, 95% diện tích tái canh đã thành công. Cây cà phê sinh trưởng tốt và cho năng suất thu hoạch cao hơn cây cũ.

Song song với việc thay đổi chính sách, công ty cũng cải biên cách thức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chế biến cà phê. Nổi bật là hệ thống công nghệ chế biến cà phê ướt, giúp tăng năng suất và giá trị sản phẩm.

Tuy nhiên, khi áp dụng công nghệ chế biến cà phê ướt, vấn đề mà Công ty Eapok phải đối mặt là khối lượng thịt quả của cà phê thải ra khá lớn. Nếu xả ra môi trường sẽ tạo nên lượng rác thải khổng lồ. Nhanh nhạy biến khó khăn thành cơ hội, ban lãnh đạo công ty tìm cách liên kết với Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch thực hiện dự án "Chế biến phế phẩm cà phê để làm nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc".

Cụ thể, công ty mua bò về nuôi thả và tận dụng ngay phế phẩm cà phê làm thức ăn cho bò. Bên cạnh đó, một lượng lớn chất thải từ bò lại được sử dụng làm phân bón cho cây cà phê. Đến nay, số lượng bò nuôi thả của Công ty Eapok đã lên đến 500 con, mỗi năm xuất bán ra thị trường hàng chục tấn thịt, thu về lợi nhuận không nhỏ.

Với cách thức chuyển đổi linh hoạt từ mô hình hoạt động đến phương thức chế biến, sản xuất, công ty đã xây dựng hệ thống các trạm thu mua chế biến và xuất khẩu cà phê. Hàng năm, Eapok xuất bán cà phê trực tiếp sang thị trường Nhật Bản và châu Âu với giá thành cao hơn giá trong nước từ 3.000 đến 5.000 đồng một kg cà phê nhân. Năm 2016, đơn vị xuất khẩu 1.400 tấn. Niên vụ 2017, công ty dự kiến xuất khẩu 1.500 tấn cà phê chất lượng cao chế biến ướt sang thị trường Nhật Bản.

Thu Nga


0 comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.