Thursday, March 2, 2017

Gần 300 người không quốc tịch, sống ngụ cư trên chính quê mẹ

gan-300-nguoi-khong-quoc-tich-song-ngu-cu-tren-chinh-que-me

Số ít người ở A Dơi Đớ vì lấy người Việt Nam nên mới có giấy kết hôn, con cái được khai sinh. Ảnh: Hoàng Táo

A Dơi Đớ là thôn biên giới thuộc xã A Dơi, hiện có hàng trăm người không quốc tịch, hộ khẩu. Bà con sống tập trung ở một góc quả đồi, gọi là xóm ngụ cư, nghề nghiệp chính là làm nương rẫy, trồng sắn và lúa nương. 

Bà Hồ Thị Hiêng (67 tuổi) kể, sau hiệp định phân chia biên giới giữa Việt Nam và Lào, ngôi làng A Dơi Đớ bị chia làm hai. Ban đầu bà chọn ở lại đất Lào, nhưng năm 2000 “nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn ở Việt Nam, bà con thân thuộc bên này cũng nhiều hơn nên tôi cùng chồng con trở về Việt Nam”.

Trở về quê hương, vợ chồng bà cùng 6 đứa con đều không có quốc tịch. Những năm sau, bà sinh thêm 3 đứa con cũng không làm được khai sinh, kèm nhiều giấy tờ liên quan khác. Sau này, 2 đứa cháu vì bố mẹ không có khai sinh nên sống cảnh giống ông bà, cha mẹ. “Một số đứa con của tôi lấy người ở nơi khác, có quốc tịch nên các cháu mới được khai sinh đầy đủ giấy tờ”, bà Hiêng nói. 

gan-300-nguoi-khong-quoc-tich-song-ngu-cu-tren-chinh-que-me-1

Bà Hồ Thị Hiêng bảo vợ chồng không có quốc tịch Việt khiến con cháu cũng trở thành "người lậu". Ảnh: Hoàng Táo

Tương tự, anh Hồ A Dỗi, nay 37 tuổi, có 6 đứa con đều không được khai sinh. “Trở về từ Lào hơn 15 năm trước, tôi không có giấy tờ nên không nhập tịch trở lại được”, anh Dỗi nói. Hai con anh học đến lớp 8, phần vì gia cảnh khốn khó, phần vì không nhận được hỗ trợ hộ nghèo nên nghỉ học.

Cùng cảnh ngộ, anh Hồ Văn Hà (27 tuổi) theo bố mẹ trở về Việt Nam được 10 năm. “May lấy vợ người Việt nên con mới được khai sinh đầy đủ, còn tôi vẫn không có bất cứ giấy tờ”, anh Hà nói. Nhà chỉ có 4 sào sắn, làm không đủ ăn, anh Hà muốn vay tiền để thả mấy con bò nhưng “không có ngân hàng nào cho vay”.

Theo thầy Hoàng Đình Tuấn, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS A Dơi, khối cấp 2 có 12 học sinh “không quốc tịch”. “Vì không có khai sinh nên các em học nhưng không có học bạ, không bảng điểm. Năm tới có 11 em lên lớp 9, nhưng không có hồ sơ nên chắc chắn không xét tốt nghiệp cấp 2 được. Các em vì thế không thể học lên tiếp”, thầy Tuấn nói.

gan-300-nguoi-khong-quoc-tich-song-ngu-cu-tren-chinh-que-me-2

Nhiều thanh niên ở A Dơi Đớ mong muốn có quốc tịch để có thể vay vốn, phát triển sản xuất. Ảnh: Hoàng Táo

Ông Hồ Văn Thăng, Phó chủ tịch xã A Dơi thông tin, toàn xã có 67 hộ với 278 khẩu là người Việt Nam, di cư tự do từ Lào về nước trong 10-18 năm qua. Tất cả đều chưa được cấp quốc tịch Việt Nam trở lại, do đó không có sổ hộ khẩu, không chứng minh thư, kết hôn không giấy tờ khiến con cái không được khai sinh. 

“Bà con không quốc tịch khiến xã khó khăn trong quản lý hành chính, còn bà con thiệt thòi trong nhiều chế độ, như không thể vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất hay ổn định cuộc sống, không có thẻ bảo hiểm y tế...”, ông Thăng nói. 

Chính quyền tỉnh Quảng Trị và phía bạn Lào đã có nhiều cuộc làm việc song phương để xác minh những người không quốc tịch trở về Việt Nam. Tuy nhiên, Ban dân tộc tỉnh Quảng Trị cho hay phải đến tháng 8/2018, hai bên Việt - Lào mới trao trả và tiếp nhận những người di cư tự do từ Lào về Việt Nam, từ đó mới có cơ sở để cấp quốc tịch, cùng các chế độ khác cho những hộ dân này.

Hoàng Táo


0 comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.