Wednesday, March 8, 2017

Doanh nghiệp xuất khẩu lao động kêu khó vì 'giấy phép con'

Ngày 8/3, tại Hội nghị "nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng", Bộ trưởng lao động Đào Ngọc Dung nhấn mạnh thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ kiên quyết xử lý các tồn tại lâu nay trong hoạt động của doanh nghiệp như thu phí cao quá qui định, tuyển dụng qua môi giới, cò mồi, bán giấy phép...

doanh-nghiep-xuat-khu-lao-dong-keu-kho-vi-giay-phep-con

Toàn quốc có 282 doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh: Võ Hải 

Về phía doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng việc cơ quan quản lý tạo điều kiện tối đa cũng như xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm là cần thiết, nhưng người lao động vi phạm thì gần như không bị xử lý. Bên cạnh đó, để đưa người có trình độ đi xuất khẩu lao động, cần có cơ chế hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ, xây dựng sàn giao dịch để tuyển lao động, thực tập sinh công khai, minh bạch...

Ông Nguyễn Văn Minh, chủ doanh nghiệp xuất khẩu lao động ở Thanh Hóa, bức xúc đề cập đến tình trạng giấy phép con và những quy định "bất thành văn".

Theo ông, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn về nguồn tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài bởi tình trạng giấy phép con. Hợp đồng của công ty được Bộ cho phép tuyển dụng, tỉnh cũng đồng ý để doanh nghiệp tiếp xúc người lao động nhưng cứ tới huyện là mắc. Có nơi ròng rã 3 tháng trời, người của ông Minh không xuống nổi xã để tiếp xúc với lao động, vì huyện không cho, bắt phải chờ duyệt theo quy trình xin giấy xuống từng thôn, xã.

Video: Doanh nghiệp phản ánh khó khăn khi xuống huyện tuyển lao động

"Nằm chờ" giấy phép của huyện, doanh nghiệp tranh thủ cho người xuống địa bàn tìm hiểu xem người dân muốn đi xuất khẩu lao động hay không, có những hộ dân khó khăn nợ vài triệu đồng mà 5 năm chưa trả được, tuy nhiên huyện không cho người của doanh nghiệp vào, thậm chí công an huyện bắt nhốt. Doanh nghiệp tố với Sở Lao động thì Sở kêu không chỉ đạo được, phải tìm đến tỉnh.

"Điều này là luật bất thành văn rồi. Nếu Bộ trưởng hỏi 282 doanh nghiệp họp ở đây có hay không, tôi dám chắc giơ tay hết. Chúng tôi xin công văn, tỉnh đồng ý nhưng huyện không cho gặp, đúng kiểu trên rải thảm, dưới rải đinh. Có chủ tịch huyện còn nói với tôi rằng nhiều năm nay không có xuất khẩu lao động cũng không chết ai", ông Minh bức xúc nói khiến cả hội trường vỗ tay lớn.

Ông Minh cho rằng nguyên nhân các huyện gây khó cho doanh nghiệp một phần do tư duy cứng nhắc, chưa đặt cao lợi ích của người dân. Có những huyện dùng chiêu trò này để hạn chế doanh nghiệp trung ương hoặc từ tỉnh khác tới, để cho doanh nghiệp "sân sau" của mình hoạt động.

doanh-nghiep-xuat-khu-lao-dong-keu-kho-vi-giay-phep-con-1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với các đại biểu bên lề Hội nghị. Ảnh: Baodansinh

Trước phản ánh của doanh nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cam kết: "Nếu huyện nào yêu cầu như vậy thì cứ gọi điện cho tôi. Tôi sẽ có ý kiến với lãnh đạo tỉnh để xử lý".

Theo ông, thời gian tới Bộ sẽ kiên quyết loại bỏ các thủ tục rườm rà hoặc “giấy phép con” theo 2 hướng. Nếu thủ tục từ phía đối tác nước ngoài thì sẽ đàm phán lại; nếu xuất phát từ phía các ngành, Bộ sẽ tích hợp quy định còn nằm rải rác ở nhiều văn bản vào thành thông tư, nhằm giúp doanh nghiệp và người lao động dễ theo dõi.

Lãnh đạo Bộ Lao động cho biết, cơ quan này đang nghiên cứu, trình Chính phủ xem xét 2 đề án về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đề án về đưa lao động có trình độ cao đi xuất khẩu lao động.

Hoàng Phương


0 comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.