Tuesday, March 21, 2017

Doanh nghiệp được nạo vét gần 150.000 m3 ở lòng sông Cầu

Bộ Giao thông vừa báo cáo Thủ tướng về dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu. 

Theo đó, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phê duyệt dự án năm 2014, cho phép nhà đầu tư là Công ty cổ phần trục vớt luồng Hạ Lưu nạo vét hơn 5 km đường sông với cao độ đáy luồng thiết kế -2,80 m. Tổng khối lượng sản phẩm nạo vét, duy tu là 145.600 m3.

Lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa giải thích, theo hợp đồng, doanh nghiệp bỏ kinh phí tiến hành nạo vét sông nên được sử dụng khối lượng đất cát đã nạo vét; họ có thể bán hoặc sử dụng cát để xây dựng. 

doanh-nghiep-duoc-nao-vet-gan-150000-m3-o-long-song-cau

Tình trạng khai thác cát ở sông Cầu khiến người dân hai bên bờ sông bức xúc. Ảnh: Bá Đô.

Năm 2014 khi chuẩn bị thực hiện dự án, Bộ Giao thông đã có văn bản gửi UBND các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang lấy ý kiến. Ngày 22/9/2014, tỉnh Bắc Ninh có văn bản gửi Bộ Giao thông thống nhất chủ trương thực hiện dự án.

Sau khi hoàn thành các thủ tục, ngày 4/5/2015, dự án bắt đầu thực hiện và đến ngày 11/3/2016 thì tạm dừng theo yêu cầu của UBND tỉnh Bắc Ninh để kiểm tra hiện trạng luồng.

Bộ Giao thông cho biết, đầu năm 2017, do có ý kiến phản ánh của doanh nghiệp vận tải thủy về tình hình khan cạn tại một số vị trí trên sông Cầu, nên Cục Đường thủy nội địa đã tiến hành đo xác suất 4/11 vị trí đoạn cạn, phát hiện có 3/4 vị trí chưa đạt chuẩn tắc. Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông đề nghị tỉnh Bắc Ninh cho phép doanh nghiệp tiếp tục nạo vét song phải có sự chấp thuận của UBND tỉnh.

"Đến nay, dự án nạo vét vẫn tạm dừng thi công trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh", báo cáo của Bộ Giao thông nêu rõ.

Người dân Bắc Ninh mất ngủ vì khai thác cát trên sông Cầu

Trước đó ngày 9/3, tỉnh Bắc Ninh có văn bản gửi Thủ tướng; Bộ trưởng Giao thông đề nghị tiếp tục dừng dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu.

Ông Trịnh Hữu Hùng, Chánh văn phòng UBND tỉnh cho hay, quá trình triển khai dự án đã diễn ra tình trạng khai thác cát khiến đê hữu Cầu, bờ, bãi sông bị sạt lở với chiều dài 50 m, ăn sâu vào bãi 5-10 m. “Bắc Ninh phải chi ngân sách 30 tỷ đồng làm kè gia cố 3 điểm bị sạt lở thuộc huyện Quế Võ", ông Hùng nói.

Về phía UBND tỉnh Bắc Ninh đã cho rằng trên toàn tuyến sông Cầu không có đoạn cạn theo quy định. "Nếu có phương tiện đúng trọng tải và đi đúng luồng mà mắc cạn, tỉnh Bắc Ninh cam kết lấy tiền ngân sách ra để kéo tàu khỏi mắc cạn", văn bản của UBND tỉnh Bắc Ninh nêu.

Sau khi Bắc Ninh nhiều lần đề nghị các bộ ngành cho tạm dừng dự án, thì xuất hiện việc "các cá nhân từ Trung ương đến địa phương đứng sau bảo kê, đe dọa" cán bộ chuyên môn, lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh, và tỉnh này đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an điều tra.

Đoàn Loan


0 comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.