Wednesday, March 1, 2017

Dải nước đỏ ở Hà Tĩnh do 'tảo bùng phát'

Bộ Tài nguyên và Môi trường hôm nay đã thông tin về hiện tượng dải nước màu đỏ xuất hiện ở khu vực bờ biển thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh (khu vực cảng Vũng Áng), và bên trong đê chắn sóng cảng Sơn Dương trong các ngày từ 16-18/2.

Dải nước màu đỏ xuất hiện vào sáng 17/2 tại cảng Sơn Dương được người dân chụp lại. Ảnh: H.V

Dải nước màu đỏ xuất hiện tại cảng Sơn Dương khoảng 16-18/2 được người dân chụp lại. Ảnh: H.V

Sau khi phân tích 6 mẫu nước biển, Bộ cho biết tại cảng Vũng Áng vị trí xa bờ 1.000 m và ở tầng đáy đạt quy chuẩn cho phép, còn với mẫu lấy sát bờ và cách bờ 500 m ở tầng mặt có Amonia vượt từ 1,34 đến 1,78 lần. Tại cảng Sơn Dương, Amonia vượt 31 lần; các thông số ô nhiễm khác đều đạt quy chuẩn.

Phân tích thực vật phù dù trong 3 mẫu nước tại cảng Vũng Áng (điểm sát bờ, cách bờ 500 m và 100 m) và một mẫu tại cảng Sơn Dương cho thấy phổ biến có tảo Noctiluca scintillans (còn gọi là Noctiluca miliaris). Càng gần bờ và tại vị trí nước có màu đỏ thì mật độ tảo càng cao, như vệt nước màu hồng tại Cảng Vũng Áng mật độ tảo khoảng 46.000 tế bào/1 lít nước biển và vệt nước màu đỏ tại cảng Sơn Dương khoảng 135.000 tế bào/1 lít nước biển.

Bộ Tài nguyên và các nhà khoa học cũng lấy mẫu nước tại âu thuyền xã Kỳ Hà, huyện Kỳ Anh - nơi tiếp tục xuất hiện dải nước màu đỏ vào buổi sáng ngày 23/2 khi thủy triều lên. Theo đó, các thông số lý, hóa và sinh học trong 5 mẫu nước biển phát hiện hàm lượng Amonia vượt từ 52 đến 257 lần so với tiêu chuẩn. Mật độ tảo Noctiluca scintillans lên đến 820.000– 1.600.000 tế bào/1 lít nước biển.

hình ảnh loài Noctiluca scintillans soi dưới kính hiển vi khi phân tích các mẫu lấy ngày 23/2/2017

hình ảnh loài Noctiluca scintillans soi dưới kính hiển vi khi phân tích các mẫu lấy ngày 23/2. 

"Các tảo này đã bắt đầu tàn lụi vì tế bào có nhiều mảnh vỡ. Lúc tàn lụi chúng thường giải phóng ra Amonia ở nồng độ cao trong môi trường nước, vì vậy tại nhiều điểm lấy mẫu ghi nhận hàm lượng này vượt nhiều lần quy chuẩn cho phép", Bộ Tài nguyên thông tin.

dai-nuoc-do-o-ha-tinh-do-tao-bung-phat-2

Dải nước màu đỏ xuất hiện ở cửa biển Lăng Cô, Huế. Ảnh: CTV

Liên quan đến vệt nước đỏ tại Thừa Thiên Huế ngày 23/2, Bộ Tài nguyên cho biết đó cũng là do loại tảo trên. Còn ở ven biển Sơn Trà (Đà Nẵng) ngày 24 và 25/2 thì theo thông tin người dân có thể là trứng ruốc, nhưng nhà chức trách địa phương chưa thu mẫu thực vật phù du nên Bộ chưa có căn cứ cụ thể của hiện tượng này.

Tảo Noctiluca scintillans là loài sống tự do, không ký sinh. Chúng là loài không có khả năng quang hợp, hình thức dinh dưỡng của chúng theo kiểu thực bào với nguồn thức ăn là các loài sinh vật phù du, tảo silic, tảo hai roi khác, trứng cá và vi khuân. 

Sự tập trung cao các sinh vật phù du khác là nguồn thức ăn của chúng, dẫn đến bùng nổ số lượng lớn Noctiluca scintillans, được gọi là "thủy triều đỏ" với màu nước đỏ như máu. Loài tảo này không sinh độc tố sinh học, nên không có nguy cơ gây ngộ độc cho người hay thuỷ sản. Tuy nhiên nếu ở mật độ cao chúng có khả năng tích tụ Amonia với hàm lượng cao rồi giải phóng vào môi trường nước, gây tình trạng cạn kiệt ô xy trong nước.


0 comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.