Monday, February 13, 2017

Kỹ sư xây dựng bỏ lương nghìn đô về làm nước mắm

Anh Lê Anh, chủ thương hiệu nước mắm Lê Gia ở xã Hoằng Phụ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa tâm sự: "Tôi sinh ra, lớn lên ở vùng quê có nghề làm mắm lâu đời. Từ nhỏ, mùi nước mắm đã gắn liền với ký ức tuổi thơ, do vậy, tôi luôn mong muốn phát huy nghề cha ông cũng như đóng góp được cho cộng đồng sản phẩm sạch, chất lượng, an toàn".

Chia sẻ về chặng đường đã qua, anh cho biết đó là mối lương duyên không ngờ. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp đại học, Lê Anh làm việc cho một công ty Hàn Quốc ở dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa với mức lương hơn nghìn USD mỗi tháng. Tuy nhiên, trong suốt quãng thời gian đó, anh vẫn luôn suy nghĩ đến việc phát triển nghề nước mắm truyền thống của quê nhà.

Năm 2012, Lê Anh quyết định trở về quê và bắt đầu hành trình hiện thực hóa mơ ước của mình. Thời điểm đó, nước mắm truyền thống chỉ chiếm một phần tư thị trường nước chấm với khoảng 2.800 doanh nghiệp. Với suy nghĩ  "khác biệt hay là chết", anh đã thôi thúc bản thân tìm con đường riêng để phát triển nghề nước mắm truyền thống quê mình.

polyad

Anh Lê Anh giới thiệu về quy trình làm nước mắm. Ảnh: Bizmedia.

Sau khi lặn lội tới nhiều làng nghề, thử nghiệm các cách làm khác nhau, Lê Anh chọn làm nước mắm từ cá cơm ủ trong thùng gỗ với muối theo phương pháp gài nén. Theo đó, sau 18-24 tháng ủ, nước mắm thành phẩm sẽ ra đời. Ngoài ra, anh cũng mất thêm một năm cất trữ muối trong kho để giảm bớt vị đắng, chát khi ướp với cá. Tổng cộng, anh mất 3 năm để cho ra mẻ sản phẩm đầu tiên.

Để có được nước mắm ngon, anh cho biết, nguyên liệu dùng phải là cá tươi. Do diện tích ngư trường thu hẹp, lượng cá giảm cùng với biến đổi khí hậu và ô nhiễm biển, người làm nước mắm phải cạnh tranh với các cơ sở thu mua khác khiến nhiều thời điểm giá thành bị đẩy lên. Suốt mùa nguyên liệu từ tháng 8 đến tháng 11 Âm lịch, khi tàu cá về vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, anh Lê Anh cũng đích thân ra tận bờ để kiểm tra cá và thu mua trực tiếp.

polyad

Xưởng sản xuất nước mắm Lê Gia. Ảnh: Bizmedia.

Muối được dùng làm nước mắm là muối hạt to, sạch, nhập từ Bà Rịa - Vũng Tàu. Cá và muối được trộn kỹ theo tỷ lệ 3:1, để trong các thùng ghép bằng gỗ bời lời - loại gỗ tốt, chịu được độ mặn, không bị rỉ nước.

Theo anh, nghề mắm vất vả ở cả quá trình làm ra sản phẩm và con đường tiêu thụ, nhiều lúc nghĩ lại, anh có cảm giác như càng làm càng "đâm đầu vào đá". Những ngày đầu, đích thân Lê Anh phải đi dọc khu dân cư ở Hải Tiến và mời dân dùng thử. Theo đó, cứ 10 người tiếp cận thì có tới 7 - 8 người đang dùng nước chấm công nghiệp. Bởi vậy, việc thuyết phục người dân chuyển sang sử dụng nước mắm truyền thống gặp không ít gian nan.

Ngoài ra, khi nhận thấy bao bì là một trong những điểm yếu của nước mắm truyền thống, anh Lê Anh quyết định tạo "chiếc áo mới" cho sản phẩm của mình. Cụ thể, anh nhập vỏ chai từ Thái Lan, đổi mới logo, thiết kế lại nắp để thuận tiện cho quá trình mở, rót và bảo quản nước mắm.

polyad

Nước mắm Lê Gia đã đổi mới phong cách thiết kế bao bì để phù hợp hơn với nhu cầu thị trường. Ảnh: Bizmedia.

Sau hơn 3 năm, với nhiều sản phẩm như nước mắm cho trẻ em, nước mắm hạ thổ, nước mắm chắt từ ruốc… thương hiệu mắm Lê Gia xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường. Hiện, cơ sở cung cấp cho thị trường Hà Nội, TP HCM khoảng 15.000 lít nước mắm mỗi năm.

"Tôi tin rằng, tiêu dùng những sản phẩm hữu cơ và an toàn là xu hướng của tương lai và theo thời gian, người tiêu dùng sẽ quay trở về với nước mắm truyền thống. Đây là cơ hội để những người sản xuất nước mắm sạch được sống với nghề, đồng thời, gìn giữ được giá trị và hồn cốt của cha ông" - chủ cơ sở nước mắm Lê Gia chia sẻ.

Xem thêm phương pháp chế biến mắm truyền thống tại Thanh Hóa:

 Hà Giang


0 comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.