Monday, February 27, 2017

Áp lực kiếm tiền, nhiều du học sinh Việt ở Nhật làm thêm quá giờ quy định

Minh Nguyên (22 tuổi) đã học tập và làm việc ở Tokyo một năm rưỡi. Suốt thời gian ở đây, Nguyên đi làm khoảng 55 tiếng mỗi tuần trong khi luật cho phép sinh viên chỉ được làm thêm 28 tiếng.

Giống như đa số bạn bè sang Nhật Bản du học, ngay từ đầu Nguyên và gia đình xác định sang Nhật không phải để học mà là kiếm tiền. "Chi phí sang Nhật ban đầu khoảng 250 triệu đồng. Nhìn thấy nhiều nhà có con đi Nhật kiếm hàng trăm triệu đồng gửi về, bố mẹ liều vay tiền ngân hàng và anh em để tôi được du học", Nguyên nói.

Áp lực kiếm tiền trả nợ khiến Nguyên buộc phải làm thêm giờ. Tuần nào Nguyên cũng làm công việc cắt da ở một xưởng sản xuất cặp từ 8h đến 12h30. Anh tranh thủ ăn trưa trên tàu để kịp vào lớp tiếng Nhật lúc 13h. Lớp học kết thúc lúc 16h30, Nguyên lên tàu đến quán ăn để làm phụ bếp từ 18h đến 1h sáng hôm sau.

"Hôm nào tôi về đến nhà cũng khoảng 2h sáng, ngủ 5 tiếng rồi lại dậy và tiếp tục công việc ngày hôm sau", Nguyên chia sẻ và khẳng định mình chưa phải là sinh viên Việt Nam làm thêm nhiều nhất ở Nhật. Những bạn sức khỏe tốt có thể chỉ ngủ 2-3 tiếng mỗi ngày, còn lại đi làm thêm.

Công việc ở xưởng sản xuất cặp da đem lại cho Nguyên 170.000 đồng/giờ. Với việc phụ bếp ở quán ăn, anh kiếm được 190.000 đồng/giờ trong khoảng từ 18h đến 22h. Sau 22h, số tiền lương tăng lên 240.000 đồng/giờ. Tổng thu nhập một tháng của Nguyên khoảng 40 triệu đồng.

Nhìn vào con số này, ít người biết hiện tại Nguyên chưa thể gửi đủ tiền về cho bố mẹ trả nợ. Mỗi tháng, anh phải trả học phí 12 triệu đồng, chi phí thuê nhà khoảng 4 triệu đồng và các chi phí khác 8 triệu đồng. Trung bình mỗi tháng Nguyên tiết kiệm khoảng 15 triệu để gửi về cho gia đình. Đến nay, số tiền nợ ban đầu vẫn còn khoảng 100 triệu.

"Thời gian đầu chưa tìm được việc, tôi phải đi giao lưu với bạn bè để được giới thiệu công việc. Mỗi lần rủ bạn đi ăn lại mất 4-5 triệu đồng. Chưa có việc làm thêm lại nghĩ đến cảnh bố mẹ ở quê đang gánh nợ hàng trăm triệu đồng khiến tôi rất áp lực", Nguyên kể lại.

Dù dành hơn nửa thời gian một ngày làm thêm, Nguyên vẫn chú tâm học tiếng, không bỏ lớp để thi đỗ senmon (trung cấp) và được ở lại Nhật thêm ít nhất 3 năm. Nguyên sẽ tốt nghiệp trường tiếng Nhật vào tháng 4 và chuyển lên học trung cấp. Anh hy vọng sau 3 năm có thể trả hết nợ và kiếm được khoản tiền kha khá để có vốn làm ăn khi về Việt Nam.

Nói về việc lách luật để làm thêm giờ, Nguyên cho rằng hầu hết sinh viên Việt Nam du học tự túc ở Nhật đều có "kinh nghiệm" và thế hệ này truyền cho thế hệ khác. Vì một nơi không chấp nhận cho sinh viên làm quá 28 tiếng/tuần nên Nguyên làm việc hai nơi, mỗi nơi gần 28 tiếng. Anh có hai thẻ ngân hàng để mỗi nơi làm việc trả lương vào một thẻ. Điều này giúp anh thuận lợi hơn trong việc gia hạn visa.

Trước thông tin Nhật Bản thắt chặt điều kiện nhập cảnh với du học sinh 5 nước trong đó có Việt Nam, Nguyên cho rằng điều này sẽ gây khó khăn cho những bạn có ý định sang Nhật trong thời gian tới. Với sinh viên đã ở Nhật như Nguyên, việc gia hạn visa sẽ khó khăn hơn vì Chính phủ Nhật Bản có thể điều tra thông tin kỹ càng hơn.

ap-luc-kiem-tien-nhieu-du-hoc-sinh-viet-o-nhat-lam-them-qua-gio-quy-dinh

Phụ việc ở quán ăn là công việc làm thêm quen thuộc của sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản. Ảnh minh họa: Japan Guide

Việt Quốc, du học sinh Việt Nam tại Nhật cho biết không phải mới đây Cục Xuất nhập cảnh Nhật Bản mới thắt chặt chuyện quản lý du học sinh. Phần lớn người Việt Nam sang Nhật để làm kiếm tiền gửi về, phần còn lại chịu áp lực tự trang trải để người nhà không phải gửi tiền sang nên sớm bị Cục Xuất nhập cảnh để ý.

“Họ thắc mắc tại sao du học sinh mà lại không được nhận tiền từ gia đình như trước đây từng cam kết trong bản chứng minh tài chính. Do đó, khi gia hạn visa, du học sinh buộc phải có tiền từ nhà gửi sang để có giấy xác nhận nộp cho Cục Xuất nhập cảnh”, Quốc nói.

Số tiền người nhà ở Việt Nam phải gửi tối thiểu 150.000 yên mỗi lần gia hạn visa (khoảng 30 triệu đồng), khi chuyển qua ngân hàng lại mất thêm chênh lệch tỉ giá, khoảng một triệu đồng. Nhiều gia đình không có đủ điều kiện lo khoản tiền này, do vậy cả người nhà ở Việt Nam và du học sinh ở Nhật đều gặp khó khăn.

Quốc sang Nhật từ tháng 10/2015, học tiếng ở trường Nhật ngữ Kobe International Japanese (thành phố Kobe, tỉnh Hyogo). Visa ban đầu của cậu chỉ 6 tháng và đã gia hạn 2 lần. Theo Quốc, bình thường visa du học sinh là một năm 3 tháng hoặc 2 năm, nhưng do số trường tiếng Nhật tăng nhanh nên Cục chỉ giới hạn cho các trường mới thành lập cấp visa du học sinh 6 tháng, qua một khóa học mới được chuyển thành một năm. Quy định này được áp dụng từ năm 2015.

"Du học sinh Việt Nam tại Nhật hầu hết đều đi làm thêm, từ tính tiền ở cửa hàng tiện lợi, làm ở các xưởng thực phẩm, xưởng điện tử, bốc vác hàng tại cảng, phụ việc ở tiệm giặt là… Lương ở Kobe dao động 190.000-260.000 đồng/giờ, tùy vào ca ngày hay đêm. Ở đâu thiếu nhân lực phổ thông là ở đó có người Việt Nam làm thêm”, Quốc nhận xét.

Cũng trong năm 2015, Chính phủ Nhật ban hành thẻ “My number” nhằm quản lý chặt chẽ thời gian làm thêm của du học sinh. Mỗi người có một mã số cá nhân và sẽ nộp nó cho công ty mà mình đăng ký làm thêm. Bảng lương và mã số được công ty chuyển cho Cục Xuất nhập cảnh. Do lương ở Nhật Bản tính theo tiếng nên Cục sẽ nắm được chính xác mỗi người làm bao nhiêu tiếng một tuần. Những công ty yêu cầu nhân viên nộp mã số thẻ “My number” thường tuân thủ nghiêm khắc quy định, bởi hình phạt cho sự gian dối ở Nhật Bản rất nặng.

Quốc đã gặp một người Việt Nam làm quá số giờ quy định và công ty không khai báo đúng. Khi bị phát hiện, nhân viên đó bị đuổi khỏi Nhật Bản, công ty bị phạt tiền và thường xuyên bị kiểm tra. Nếu tái phạm, công ty sẽ bị đóng cửa. Tuy nhiên, do Cục Xuất nhập cảnh không thể quản lý mọi xưởng, công ty nên nhiều cơ sở nhỏ không yêu cầu nhân viên nộp “My number” để có lợi cho cả hai bên. 

Đang du học ở thành phố Kasumigaseki, tỉnh Saitama, Minh Ngọc cho rằng ngay cả khi không sang Nhật với mục đích kiếm tiền, nếu chỉ được làm 28 tiếng mỗi tuần thì không đủ trả phí sinh hoạt và học tập. Ngọc thường phải làm ca đêm để tăng thêm thu nhập (lương ca đêm cao hơn ca ngày 25%).

"Công việc làm thêm sẽ được trường giới thiệu. Tuy nhiên, mọi người có thể tự tìm việc phù hợp với bản thân. Em đang làm ở xưởng cơm hộp, công việc này mang lại thu nhập khoảng 180.000 đồng/tiếng", Ngọc nói.

Ngọc nhận định việc Nhật Bản thắt chặt việc nhập cảnh đối với học sinh Việt Nam là tất yếu khi ngày càng có nhiều du học sinh Việt sang Nhật với mục đích làm giàu, chứ không phải học. Em hy vọng người Việt cần thay đổi suy nghĩ để không làm xấu hình ảnh trên đất bạn.

Thanh Tâm - Phiêu Linh 

*Tên du học sinh đã được thay đổi.


0 comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.